7 triệu người Việt mắc đái tháo đường
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng.
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, nước ta đang có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
BS Nguyễn Việt Hùng - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải, những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao gia tăng những vấn đề về sức khỏe. Mức đường trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và phải cắt cụt chi dưới. Trong khi đó, bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường. Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Đáng lo ngại hơn khi tại Việt Nam, đái tháo đường đang trẻ hóa với tốc độ rất nhanh. Thực tế ghi nhận nhiều người ở độ tuổi 25-30, thậm chí là tuổi vị thành niên đã mắc đái tháo đường mà không hay biết.
BS Hùng nhận định: Tại nước ta hiện nay ngày càng có nhiều người béo phì, thừa cân, đặc biệt là ở giới trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này là do lối sống thiếu khoa học, lười vận động. Từ đó, tỷ lệ người mắc đái tháo đường sẽ ngày càng gia tăng gia tăng. Đây là xu hướng tất yếu.
Mới đây, Khoa Thận tiết niệu (Bệnh viện Nội tiết trung ương) đã tiếp nhận ca bệnh đái tháo đường type 2 ở bệnh nhân 16 tuổi. Cụ thể, bệnh nhân P.T.T (ở Hà Nội) có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày thì đi khám tại bệnh viện huyện và được chẩn đoán mắc đái tháo đường.
Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân được điều trị thuốc uống 7 ngày nhưng đường huyết chưa ổn định nên đã chuyển lên Bệnh viện Nội tiết trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được thăm khám và kết luận mắc đái tháo đường - rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (bệnh nhân cao 1m70 và nặng 90kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang. Gia đình bệnh nhân có bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường. Bệnh nhân thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, chiên rán, ít vận động. 2 năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.
TS.BS Lâm Mỹ Hạnh - Phó trưởng Khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết trung ương) cho biết, đái tháo đường type 2 trước đây thường là căn bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.
“Người trẻ mắc bệnh đái tháo đường gia tăng vì thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ thường do có thể trạng thừa cân, béo phì, gia đình có người mắc đái tháo đường. Có lối sống lười vận động và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, giàu năng lượng” – BS Hạnh lý giải.
Để giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2, các bác sĩ khuyến cáo, người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc (có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2). Cần hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường - như nước ngọt, nước trái cây có đường (có thể dẫn đến tăng cân quá mức). Đồng thời, cần duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động.
Đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường. Do vậy, khi có những triệu chứng mắc đái tháo đường, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tránh việc tự ý điều trị hoặc điều trị theo kinh nghiệm dân gian rất dễ dẫn đến những biến chứng, làm bệnh nặng hơn, hoặc có thể đe dọa đến tính mạng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/7-trieu-nguoi-viet-mac-dai-thao-duong-10274948.html