7 trợ lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024
Kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị trước bước ngoặt của sự chuyển đổi và cơ hội đón làn sóng FDI lần thứ 4, nếu Việt Nam nỗ lực về chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy.
Nhận định trên đã được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” do CafeF tổ chức.
Ông TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia nhận định: "Chúng ta đang trải qua giai đoạn vô cùng thú vị, nguy hiểm nhất sau chiến tranh, giai đoạn nói nhiều nhất về thay đổi thách thức phát triển, bền vững, bao trùm, sáng tạo".
"Một bên là trở ngại và một bên là cơ hội chưa từng có trong lịch sử. Trước khủng hoảng nghĩ tới vượt qua, thì bây giờ nghĩ thế nào về thử thách. Đây là giai đoạn cần nắm bắt cơ hội để vượt qua và bứt phá", TS. Thành nhấn mạnh.
Lấy ví dụ tại Viettel Post, TS. Võ Trí Thành cho biết, đây là doanh nghiệp logistics –lĩnh vực được coi là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam bởi chi phí bình quân cao hơn rất nhiều so với thế giới. Mấy năm trước, Viettel Post còn trong tình trạng suy giảm hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng Công ty đã dần trỗi dậy và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ logistics tại Việt Nam, lợi nhuận năm 2023 tăng gần 50%, thậm chí còn “go global” mạnh mẽ.
Về đầu tư công, ông Thành cho biết, tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tới 95%, con số kỷ lục và là tỷ lệ khó có thể tin được trong bối cảnh thực tại. Kể từ đầu năm 2024, giải ngân đầu tư công cũng đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ…
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực dự báo, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bất kỳ môi trường kinh doanh đầu tư nào, chúng ta có ít nhất 6 yếu tố phải cân nhắc. Trong đó, yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế được nhắc đến đầu tiên với những lưu ý về tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất nhập khẩu… Tiếp theo là các yếu tố về chính sách (tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác liên quan tiêu dùng, y tế, giáo dục…); triển vọng và xu hướng thị trường; niềm tin; khả năng huy động nguồn lực và bản thân doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.
Đối với thị trường trong nước, Việt Nam đang có 7 trợ lực quan trọng trong năm 2024. Đầu tiên là kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi nhờ lạm phát giảm nhanh và lãi suất thế giới bắt đầu giảm. Trên thế giới, lạm phát được dự đoán đã qua đỉnh và có khả năng sẽ quay trở lại mức dưới 4% trong năm nay. Đối với Việt Nam, dự báo năm 2024-2025 sẽ tốt hơn.
Các trợ lực khác là tỷ giá sẽ ổn định hơn; triển vọng và xu hướng thị trường tích cực; nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì; vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện; niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm; khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn vay vốn lãi suất thấp hơn, thanh khoản thị trường tốt hơn.
"Niềm tin đầu tư kinh doanh tiêu dùng năm 2024 phục hồi. Khả năng huy động nguồn lực, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% năm 2023 nhưng cần kích cầu đầu tư tư nhân. Tín dụng năm 2024 đạt 14-15% là khả thi. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước đang bắt đầu phục hồi", TS.Cấn Văn Lực cho hay.