7 vị trí công việc ưu tiên kỹ năng hơn bằng cấp
Theo Times of India, bằng cấp học thuật vẫn giữ vai trò quan trọng trong một số ngành nghề đặc thù, nhưng nhiều vị trí cấp trung hiện nay lại ưu tiên các yếu tố thiên về kỹ năng.

1. Quản lý dự án: Người làm quản lý dự án đòi hỏi phải có kỹ năng thiết yếu như lãnh đạo, quản lý thời gian và giao tiếp. Họ chịu trách nhiệm điều phối đội ngũ, theo dõi tiến độ và đảm bảo dự án hoàn thành đúng ngân sách, đúng hạn. Các bằng cấp chuyên về quản lý có thể hỗ trợ, nhưng điều thực sự tạo nên sự khác biệt là khả năng truyền cảm hứng, giải quyết xung đột dưới áp lực và thích nghi nhanh chóng với thay đổi.

2. Giám đốc kinh doanh: Vị trí này bắt nguồn từ việc xây dựng lòng tin, đàm phán và thuyết phục chiến lược. Thực tế, thành công của giám đốc kinh doanh phụ thuộc vào việc thúc đẩy nhân viên, xử lý các lời từ chối, nắm bắt nhu cầu khách hàng và chốt các giao dịch lớn. Tất cả kỹ năng này đều xoay quanh yếu tố con người, chứ không hẳn là một tấm bằng kinh doanh chính quy.

3. Đối tác nhân sự chiến lược (HR business partner): Vị trí này đóng vai trò cầu nối giữa lãnh đạo và nhân viên. Để thành công, họ cần có sự khéo léo ngoại giao, kỹ năng giao tiếp sắc sảo và hiểu rõ động lực đội nhóm. Thực tế, dù nhiều HR có bằng cấp về quản lý hay nhân sự, nhưng điều thực sự giúp họ thăng tiến lên các vị trí chiến lược không phải là bằng cấp, mà là khả năng xây dựng lòng tin, xử lý tinh tế các tình huống nhạy cảm và hòa giải xung đột một cách khéo léo.

4. Chăm sóc khách hàng chủ động: Vị trí này chịu trách nhiệm đảm bảo khách hàng hài lòng, được hỗ trợ và sử dụng sản phẩm/dịch vụ một cách hiệu quả sau khi mua hàng. Thay vì kiến thức kỹ thuật chuyên sâu, kỹ năng quan trọng nhất khi làm việc là khả năng lắng nghe chủ động, đưa ra hướng dẫn rõ ràng và quản lý mối quan hệ với khách hàng.

5. Giám đốc vận hành: Họ chịu trách nhiệm giám sát mọi hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, từ hậu cần đến hiệu suất làm việc của đội nhóm. Vì vậy, một giám đốc vận hành cần phải là người giải quyết vấn đề nhanh chóng, có kỹ năng giao tiếp tốt và tổ chức công việc khoa học. Thành công của họ phụ thuộc vào việc họ quản lý quy trình làm việc, thúc đẩy đội ngũ và ứng phó khủng hoảng hiệu quả đến mức nào.

6. Quản lý tiếp thị: Với óc sáng tạo và khả năng hiểu tâm lý con người, bạn hoàn toàn có thể trở thành một quản lý tiếp thị. Vai trò này đòi hỏi sự nhạy bén trong việc nắm bắt hành vi người tiêu dùng, từ đó xây dựng nên những câu chuyện hấp dẫn và điều phối các chiến dịch hiệu quả. Trong ngành này, năng lực và kết quả thực tế quan trọng hơn nhiều so với việc bạn tốt nghiệp từ đâu.

7. Quản lý sản phẩm (không chuyên kỹ thuật): Vị trí này chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển sản phẩm nhưng không trực tiếp tham gia vào việc lập trình hoặc thiết kế hệ thống kỹ thuật. Thực tế, nhiều quản lý sản xuất xuất thân từ các lĩnh vực như phân tích kinh doanh, hỗ trợ khách hàng, marketing, hay thậm chí là giáo dục. Điều quan trọng là họ có khả năng hiểu rõ nhu cầu người dùng, ưu tiên các tính năng sản phẩm và phối hợp hiệu quả giữa các phòng ban.