'70-80% ca nhiễm virus ở Vũ Hán khi phong tỏa là lây trong gia đình'
Tỷ lệ lây nhiễm trong gia đình chiếm đến 70-80% số ca bệnh ở Vũ Hán sau khi phong thành, theo một trong những chuyên gia đầu tiên tham gia chống dịch ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Từ khi dịch virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát tại Trung Quốc, đã có những câu chuyện về việc một người nhiễm virus sau đó lây lan cho những người khác trong gia đình. Điều này đặt ra câu hỏi về nguy cơ của biện pháp cô lập, cách ly tại nhà.
Bình luận mới đây của một bác sĩ, thành viên nhóm chuyên gia cố vấn chống dịch tại tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm của dịch bệnh, củng cố quan ngại đó.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, bác sĩ Triệu Kiến Bình, Chủ nhiệm Khoa Hô hấp và Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đồng Tế, thuộc Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung ở Vũ Hán, cho biết đến 80% số ca bệnh sau khi Vũ Hán bị phong tỏa là lây nhiễm trong gia đình.
"Gia đình rất dễ lây nhiễm. Trong số các ca bệnh xuất hiện ở Vũ Hán sau khi phong thành, khoảng 70 đến 80% là lây nhiễm do sinh hoạt chung trong gia đình", bác sĩ Triệu nói trong cuộc phỏng vấn với tuần san Nam Phương Nhân Vật hôm 20/2.
Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc và là nơi khởi phát dịch virus corona chủng mới (Covid-19), đã phong tỏa toàn bộ thành phố từ ngày 23/1 trong nỗ lực khống chế sự lây lan của virus. Nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã được áp dụng sau đó.
Chẳng hạn, từ ngày 10/2, chính quyền thành phố áp dụng chính sách "quản lý kiểu niêm phong" với mọi khu dân cư. Cụm từ này đã được chính quyền địa phương ở các nơi khác tại Trung Quốc sử dụng để mô tả việc niêm phong tất cả trừ một vài điểm thoát hiểm tại khu dân cư và kiểm tra danh tính của tất cả những người ra vào.
Nhiều câu chuyện bi kịch về việc những người trong cùng một gia đình lần lượt nhiễm bệnh đã được truyền thông đăng tải. Câu chuyện gia đình đạo diễn Thường Khải ở Vũ Hán là một trong số đó, khi lần lượt cha, mẹ, chị gái và chính ông qua đời vì virus.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, bác sĩ Triệu cho biết từ 15 đến 20% số ca nhiễm sẽ chuyển từ tình trạng nhẹ sang tình trạng nặng. Bệnh sẽ chuyển xấu trong vòng 7 đến 10 ngày và nếu không được khống chế trong lúc này, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm tính mạng.
Ngoài ra, bác sĩ Triệu cũng lưu ý có những trường hợp nhiễm virus sau khi hồi phục được xét nghiệm lại vẫn phát hiện dấu vết của virus.
"Chúng ta cũng có trường hợp như vậy. Điều này rất nguy hiểm. Không biết phải đặt những bệnh nhân này ở đâu bây giờ? Chúng ta không thể để họ về nhà vì có thể lây bệnh cho người khác, cũng không thể giữ họ ở lại bệnh viện mãi trong khi nguồn lực đang bị kéo mỏng", vị bác sĩ nói.