70% chi tiêu của các cơ quan báo chí hiện nay là tự 'bươn chải'

Trong phiên chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, câu chuyện nguồn thu cho cơ quan báo chí được khá nhiều ý kiến đề cập.

Tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Đẩy mạnh rà quét, phát hiện vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược phải được đầu tư đi trước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất ban hành chiến lược, kế hoạch, xác định rõ các nội hàm cũng như các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia, đặc biệt lưu ý đến nội dung phổ cập nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, trên thực tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội nêu tạo nên góc nhìn toàn cảnh về ngành thông tin và truyền thông, chỉ rõ những vấn đề, hạn chế, tồn tại... đồng thời sẽ mở những giải pháp mới, cách làm mới.

Với môi trường không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo báo chí trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, Youtube… và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam.

Báo chí muốn giữ vững "trận địa" của mình thì phải làm khác mạng xã hội

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, nguồn thu thông qua quảng cáo giảm tới 80% vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội nên các cơ quan báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đại biểu quan tâm đến cách thức để hỗ trợ cơ quan báo chí.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết "trước đây báo chí cách mạng là cách mạng nuôi 100%" nhưng khi xuất hiện kinh tế thị trường báo chí có đất sống là quảng cáo, có xu thế rời bỏ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, khi xuất hiện mạng xã hội thì báo chí phải cạnh tranh khốc liệt và đối mặt với khó khăn. Hiện nay 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách, 70% do các cơ quan báo chí tự "bươn chải". Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều, có những cơ quan báo chí thậm chí lớn, ảnh hưởng mạnh tới truyền thông quốc gia nhưng không có hỗ trợ, 100% thị trường.

"Báo chí mà 100% dựa vào thị trường thì liệu có là báo chí thị trường không, đó là câu hỏi rất nên cân nhắc, quan tâm. Bây giờ nhà nước mà làm truyền thông thì nhà nước có chi trả cho các cơ quan báo chí không? Nhà nước mà nuôi toàn bộ từ cơ sở vật chất, lương cho anh em thì chắc nhà nước không phải chi trả cho tiền này. Vậy nhưng cơ sở vật chất nhiều cơ quan tự chủ, chi thường xuyên cũng tự chủ thì nhà nước khi đặt hàng truyền thông có một khoản ngân sách kèm theo là phù hợp" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, đến nay vẫn có những cơ quan báo chí 100% "sống" nhờ tiền nhà nước, không bươn chải, bám rễ vào thị trường, ít độc giả. Nhưng đây là số ít. Theo Bộ trưởng, báo chí cần "đi bằng cả hai chân", nghĩa là có cả sự đặt hàng của nhà nước lẫn "bám chặt chân" vào thị trường, độc giả.

Cùng chủ đề, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu, quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội nhưng báo chí đang lép vế với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.

Chia sẻ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, báo chí thay vì cạnh tranh thì hợp tác với mạng xã hội, không chỉ trong quảng cáo mà trong nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, việc hợp tác với mạng xã hội có 2 nội dung đang được tiến hành. Một là hầu hết cơ quan báo chí đều có tài khoản hoặc có trang trên mạng xã hội để xuất hiện ở chỗ đông người, nhiều độc giả.

Sắp tới trình sửa Luật Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cân nhắc việc xem xét trình Quốc hội nội dung này. "Trước đây cứ phải đăng tin trên báo trước rồi mới được phép đưa thông tin đó ra các tài khoản của cơ quan báo chí trên mạng xã hội. Giờ thì có thể xem xét cho xuất hiện trước trên mạng xã hội" - Bộ trưởng cho biết.

Nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của báo chí truyền thống, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mạng xã hội ra đời đã "lấy mất nghề của báo chí". Báo chí trong hàng trăm năm qua tập trung vào đưa tin và mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, với hàng chục triệu "phóng viên không mất tiền" và có mặt ở khắp mọi nơi. Do vậy, báo chí muốn giữ vững "trận địa" của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi là tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình và đạo đức nghề nghiệp.

Trúc Lam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/70-chi-tieu-cua-cac-co-quan-bao-chi-hien-nay-la-tu-buon-chai-163824.html