70 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ, chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động
Đến hết tháng 1/2025, toàn tỉnh có 70 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 9,5 tỷ đồng; giảm 9 đơn vị và 57 triệu đồng so với tháng 12/2024.
![Người lao động được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định khi khám và điều trị bệnh nghề nghiệp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_619_51444969/5e037b324f7ca622ff6d.jpg)
Người lao động được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định khi khám và điều trị bệnh nghề nghiệp.
Trong đó, số tiền chậm đóng của 26 đơn vị khó thu là 7,3 tỷ đồng, gồm: Chi nhánh Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam tại Cao Bằng trên 5,9 tỷ đồng; Công ty Than cốc và Khoáng sản Việt Trung trên 422,7 triệu đồng; Công ty TNHH Trần Hùng Cao Bằng trên 170,4 triệu đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển miền núi Chi nhánh Cao Bằng 136,7 triệu đồng; Công ty TNHH xây dựng Hoàng Việt Anh trên 110,8 triệu đồng; Công ty TNHH nội thất Gia Hưng 66 chậm đóng trên 94,3 triệu đồng…
44 đơn vị sử dụng 132 lao động, nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 2,259 tỷ đồng. Trong đó, Thành phố có 38 đơn vị, nợ trên 2 tỷ 157 triệu đồng; Bảo Lạc 1 đơn vị, nợ 32,2 triệu đồng; Bảo Lâm 1 đơn vị, nợ 5,1 triệu đồng; Hạ Lang 3 đơn vị, nợ 33,1 triệu đồng; Quảng Hòa 1 đơn vị, nợ 31,4 triệu đồng.
Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi nghỉ việc, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN và tính nghiêm minh của việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.