70% hoa địa lan Đà Lạt nở sớm
Dù vẫn còn vài tuần nữa mới đến cao điểm tiêu thụ chính của hoa địa lan để phục vụ dịp tết nhưng hiện tại, nhiều nhà vườn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hoa địa lan đã đồng loạt bung nở.
Tại các vùng ven của thành phố Đà Lạt, nơi có truyền thống trồng địa lan thuộc các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, phần lớn các vườn địa lan đã nở hơn 70% khiến nông dân lo lắng.
Do địa lan nở sớm nên hiện các nhà vườn phải cắt bán cành rời với giá khoảng 60.000 đồng/cành loại 1, từ 40.000-45.000 đồng/cành loại 2; hoặc bán nguyên chậu với giá 1,2 triệu đồng/chậu (loại trên 3 cành), 1 triệu đồng/chậu (2 cành).
Trong khi đó, nếu đúng dịp cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán thì giá hoa sẽ cao hơn gấp nhiều lần, từ 300.000-700.000 đồng/cành.
Theo anh Đặng Văn Hưng ở thôn Xuân Sơn (xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt), chủ một vườn địa lan cho biết, năm nay địa lan vẫn bị nở sớm như mọi năm, nhưng do dịch COVID-19 nên giá bán bị thấp xuống nên khó khăn càng chồng chất hơn, trong khi đó tất cả các chi phí đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp đều tăng giá.
Hiện vườn của gia đình hoa đã bung nở đến 70-80%, nên phải bán cành để giảm bớt thất thoát.
Giá cắt cành từ 40.000-45.000 đồng/ cành. Những cành hoa đang nụ sẽ tiếp tục được chăm sóc đến giáp Tết để ghép chậu bán cho khách. Với loại hoa ghép chậu này sẽ có giá từ 400.000 - 600.000 đồng/cành.
“Chính quyền thành phố cần quan tâm thành lập sàn giao dịch về các loại hoa để nông dân tập trung ổn định sản xuất, không phải lo “được mùa mất giá” hay bị thương lái ép giá”, anh Đặng Văn Hưng kiến nghị.
Cùng hoàn cảnh với anh Hưng, gia đình anh Lê Thanh Quang ở cùng thôn Xuân Sơn cũng đang phải cắt cành địa lan để bán cho các thương lái. Số cành hoa còn lại được anh Quang chăm sóc để kịp Tết Nguyên Đán.
Vườn địa lan của gia đình anh Quang có diện tích trên 4.000 m2; trong đó, 6.000 chậu đã cho thu hoạch, khoảng 2.000 chậu phục vụ dịp tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên, đã có hơn 1/2 số chậu đã nở sớm trước tết rất nhiều. Trước thực trạng trên, người dân phải tìm mọi biện pháp để hãm hoa phát triển, không cho nở sớm như che lưới đen hạn chế quang hợp, hạn chế tưới, dùng lưới bọc nụ hoa...
Ngoài ra, giá bán cũng thấp hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch COVID-19. Mọi năm, nếu chăm không vào dịp Tết thì thúc hẳn cho hoa nở trước 20/11 thì 1 cành cắt bán vẫn được 90.000-100.000 đồng.
Không chỉ đối mặt với tình trạng địa lan nở sớm, nông dân Đà Lạt phải chịu thực tế lan hồ điệp Trung Quốc đội lốt hoa Đà Lạt. Người trồng lan hồ điệp tại Đà Lạt cho biết, vài năm trở lại đây lan hồ điệp Đà Lạt được ưa chuộng trên khắp cả nước vì màu sắc đẹp, trưng được lâu hơn so với hồ điệp Trung Quốc.
Vì vậy, nguy cơ hồ điệp Trung Quốc đội lốt, mượn danh hồ điệp Đà Lạt để bán trên thị trường là rất lớn.
Năm 2021, giá vật tư sản xuất như phân bón, giá thể, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, cùng chi phí thuê nhân công tăng nên giá hoa hồ điệp cũng tăng hơn năm trước khoảng 10%.
Theo ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, cũng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhà vườn Đà Lạt xuống giống hoa vụ Tết Nhâm Dần chỉ được khoảng 800ha, tức khoảng 70% so với năm 2020./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/70-hoa-dia-lan-da-lat-no-som/227867.html