70 năm Giải phóng Vùng mỏ: Người Quảng Ninh viết tiếp những trang sử hào hùng

Sau hơn 7 thập kỷ lầm than dưới sự cai trị của thực dân Pháp, ngày 25/4/1955, Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng. Từ mốc son này, nhân dân lao động Quảng Ninh đã tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng bảo vệ và dựng xây đất nước, đưa Vùng mỏ ngày một đẹp giàu.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) đều nằm trong khu vực tập kết 300 ngày của quân đội Pháp trước khi rút quân. Trong khi các lực lượng của ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định thì quân Pháp ra sức càn quét, cướp phá tài sản, bắt thanh niên đi lính và cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Chúng còn tháo dỡ máy móc ở khu mỏ, khuyến khích bọn phản động, tăng cường cài cắm gián điệp vào các nhà máy, xí nghiệp, địa phương với âm mưu chống phá ta về lâu dài…

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thung, nay đã 93 tuổi vẫn nhớ như in những ngày tháng 4 lịch sử năm 1955. Trước tình thế này, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng thành lập Sư đoàn bộ binh 350 gồm 5 trung đoàn, làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ những thành phố lớn, khu công nghiệp vừa giải phóng.

“Bọn phản động vẫn lén lút hoạt động, đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Thành lập Trung đoàn 244 để bảo vệ Vùng mỏ. 3 Đại đội được lệnh vào tiếp quản Hòn Gai. Đại đội 906 của tôi từ Cẩm Phả, vượt vào tiếp quản Bốt điện Quang Hanh, Nhà máy điện Cột 5, lập đội danh dự tống tiễn những tên lính Pháp xuống tàu “há mồm”, ông Thung kể lại.

Những tên lính Pháp cuối cùng lên tàu tại TX Hòn Gai rời khỏi Vùng mỏ (Ảnh tư liệu)

Những tên lính Pháp cuối cùng lên tàu tại TX Hòn Gai rời khỏi Vùng mỏ (Ảnh tư liệu)

Cựu chiến binh Lê Ngọc Lâm (92 tuổi), nguyên chiến sĩ Trung đoàn 244 kể lại, để bộ đội chính quy tiếp quản Vùng mỏ toàn vẹn, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ quân báo tại Nhà máy điện Cột 5, góp phần bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại, bảo đảm cơ sở hạ tầng. Trước khi rút, quân Pháp không chỉ định di dời máy móc mà còn phá hoại các khu vực nhà máy điện, giao thông khu vực bến phà Bãi Cháy nhằm làm tê liệt sản xuất. Tuy vậy, với truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đặc khu, quân và dân Vùng mỏ đoàn kết một lòng, liên tục tổ chức hơn 200 cuộc đấu tranh, biểu tình, tạo sức ép bảo vệ toàn vẹn các công trường, nhà xưởng, thiết bị, làm thất bại các âm mưu phá hoại của địch.

Sáng 22/4/1955, bộ đội tiến quân vào tiếp quản các khu vực Cửa Ông, Cọc Sáu, Đèo Nai, rồi sang Quang Hanh, Hà Tu... 12 giờ trưa ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng lên tàu ở bến phà Hòn Gai. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí sôi nổi và chào đón của người dân. Cờ đỏ sao vàng treo khắp phố, chào mừng ngày giải phóng sau 7 thập kỷ lầm than sống dưới ách thống trị của thực dân, thoát khỏi cuộc đời phu mỏ bị bóc lột.

Ông Lâm nhớ lại: “Người dân tung cờ, hoa, hô vang Ủng hộ Việt Minh muôn năm. Khu vực ở dưới bến phà Bãi Cháy, Vựng Đâng, các thuyền cá cũng ra. Dân từ thị xã Hòn Gai xuống đến Cột 5, bà con vô cùng phấn khởi, reo hò, cờ quạt tinh thần khí thế như thế”.

Cựu chiến binh Lê Ngọc Lâm kể lại những ngày tháng hào hùng năm 1955.

Cựu chiến binh Lê Ngọc Lâm kể lại những ngày tháng hào hùng năm 1955.

8h30 ngày 25/4/1955, một cuộc mít tinh lớn tổ chức ở thị xã Hòn Gai, Ủy ban quân chính Hồng Quảng ra mắt trước toàn thể nhân dân, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng: “Những vùng quân đội Pháp chiếm đóng trước đây đã lần lượt được giải phóng, đồng bào Hòn Gai, Quảng Yên lại được sống tự do”.

Ngay sau giải phóng, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Anh chị em công nhân mỏ phải bảo vệ hầm mỏ, máy móc, nhà máy, kho tàng và nâng cao năng suất”, nhân dân lao động Vùng mỏ lại nô nức thi đua với khí thế mới, khắc phục muôn vàn khó khăn để khôi phục lại sản xuất, đưa dòng suối than đi xây dựng đất nước. Ngày 24/4/1955, mỏ Cẩm Phả tiếp tục hoạt động. Ngày 26/4/1955, các xí nghiệp ở Hòn Gai, Hà Lầm cũng trở lại sản xuất…

Các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm về ngày giải phóng vùng mỏ và khôi phục sản xuất.

Các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm về ngày giải phóng vùng mỏ và khôi phục sản xuất.

Ông Vũ Công Hồng, nguyên chiến sĩ dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có mặt ở Vùng mỏ từ ngày giải phóng hồi tưởng không khí những ngày ấy. Ông kể, bắt đầu từ ngành than, các ngành sản xuất đều thi đua sôi nổi, ghi dấu nhiều chiến công trong lao động và chiến đấu. Các thiết bị, máy móc lần lượt được Nhà nước đầu tư cho ngành than, từng bước cơ giới hóa sản xuất.

“Không khí làm việc ở mỏ lúc bấy giờ hăng hái lắm. Lúc tôi còn làm việc, để khai thác được 10 triệu tấn than là khó lắm, vất vả lắm, nhưng bây giờ cơ khí hóa rồi, lên đến mấy chục triệu tấn một năm. Cho nên những anh hùng lao động rất nhiều: Voòng Nải Hoài, Vũ Xuân Thủy, Hồ Xây Dậu… ”, ông Hồng nhớ lại.

Bộ đội ta tiến vào tiếp quản Cẩm Phả, Hòn Gai trong sự chào đón của người dân Vùng mỏ (Ảnh tư liệu)

Bộ đội ta tiến vào tiếp quản Cẩm Phả, Hòn Gai trong sự chào đón của người dân Vùng mỏ (Ảnh tư liệu)

70 năm qua, mốc son Giải phóng Vùng mỏ năm 1955 vẫn luôn là niềm tự hào của người dân nơi đây, nhắc nhở mỗi người về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của cha ông. Viết tiếp những trang sử hào hùng, người Quảng Ninh hôm nay đã hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa “tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, tiếp tục phát huy truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm, đưa Vùng mỏ cùng cả nước tiến lên trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/70-nam-giai-phong-vung-mo-nguoi-quang-ninh-viet-tiep-nhung-trang-su-hao-hung-post1194368.vov