Ký ức hào hùng về ngày Côn Đảo được giải phóng
Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam' diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 20/4/2025, những hồi ức xúc động của bà Hoàng Thị Khánh - một nữ tù chính trị từng bị giam tại Côn Đảo đã đưa người nghe trở lại thời khắc lịch sử đầy bi tráng, oanh liệt của dân tộc.
Bà Hoàng Thị Khánh - nguyên Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh. Đôi mắt người nữ chiến sĩ năm nào như ánh lên sự tự hào và hạnh phúc tột cùng: "Niềm vui chiến thắng được chờ đợi suốt thời gian bị bắt, tù đày. Khi nghe tin, chúng tôi không ai đứng vững, mọi người khuỵu xuống vừa hô vừa khóc: Mình thắng rồi, mình sống rồi! Bác Hồ muôn năm! Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!".

Bà Hoàng Thị Khánh xúc động chia sẻ giây phút giải phóng Côn Đảo.
Tháng 4/1975, tình hình tại Côn Đảo ngày càng căng thẳng. Kẻ địch tăng cường khám xét, chuyển phòng, hạn chế tiếp xúc của tù chính trị. Nhờ hai chiếc radio giấu được trong Trại 6B, tù nhân chính trị nắm được tin tức chiến sự, từ đó thầm theo dõi bước tiến thần tốc của quân ta giải phóng các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, ngày 24/4, cả hai chiếc radio bị phát hiện và tịch thu. Từ đó, thông tin duy nhất đến với tù chính trị là qua hành vi bất thường của lính trại - không cho tù ra ngoài, tự tay mang cơm, nước, hạn chế mọi hoạt động thường nhật.
Bà Khánh kể: "Khoảng 4 ngày sau, chúng tôi thấy địch đào bới phía sau trại, sau mới biết là chúng đang gài mìn. Chúng tôi đoán, quân ta đã đến gần Sài Gòn và có thể địch sẽ thủ tiêu chúng tôi trước khi rút chạy. Nếu có chết, chúng tôi cũng muốn chết đàng hoàng. Vì vậy, chị em bàn nhau ăn mặc chỉn chu, giữ vững tinh thần và chuẩn bị tổ chức ngày Quốc tế Lao động 1/5 thật tươm tất".
Rạng sáng 1/5/1975, Trại trưởng Trại 6B bất ngờ mở cửa buồng giam và nói: "Mấy bà ra đi, bên mấy bà thắng rồi." Cảnh giác trước những âm mưu thâm độc, chị Dung Tiến đã dõng dạc yêu cầu bằng chứng. Chỉ đến khi radio phát tiếng đọc Thiết quân luật trang nghiêm của Thượng tướng Trần Văn Trà, mọi người mới vỡ òa: "Mình thắng rồi, mấy chị ơi! Mình sống rồi!".
Chùm chìa khóa trong tay những người tù chính trị không chỉ mở cánh cửa Trại 6B, mà còn mở ra một chương mới cho toàn bộ hơn 4.000 tù nhân trên đảo. Họ đã tự giải phóng chính mình, tổ chức lực lượng, bảo vệ an ninh, thành lập chính quyền cách mạng.

Du khách tham quan nhà tù Côn Đảo, nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng kiên cường.
Ngay sáng 1/5, đại diện các trại họp bàn, lập Đảng ủy đảo do đồng chí Trịnh Văn Tư làm Bí thư. Đại diện phụ nữ có chị Hai Nhân và chị Phạm Thị Đào (Hai Hà) tham gia Ủy ban Hòa hợp, Hòa giải dân tộc tỉnh Côn Sơn. Đặc biệt, Linh mục Phạm Gia Thụy - người từng đấu tranh vì cải thiện điều kiện lao tù cũng tham gia tích cực vào chính quyền cách mạng, xây dựng hòa giải dân tộc. Ông cùng các lực lượng trên đảo thống nhất thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, giữ gìn trật tự và bảo vệ đảo.
Số vũ khí thu được từ kho quân sự và do Trung đội Bảo an giao nộp đã giúp hình thành một tiểu đoàn vũ trang đủ sức kiểm soát tình hình, giải thoát các tù nhân còn bị cùm, bị xiềng xích. Đến 8h ngày 1/5, lực lượng cách mạng hoàn toàn làm chủ thị trấn Côn Đảo và trong ngày đã tiếp quản sân bay, đài rađa, Chi khu Quân sự.
Đêm 3/5, ba trinh sát người nhái từ ngoài khơi vào Côn Đảo cho biết: Bộ Tổng Tham mưu đã cử Tiểu đoàn 445 và một phần Sư đoàn Sao Vàng ra giải phóng đảo. Tuy nhiên, khi phát hiện đảo vẫn sáng đèn, đoàn đã e ngại địch còn kiểm soát. Sau khi trinh sát báo tin, Ban Chỉ huy đã vào đất liền gặp Đảng ủy đảo. Cuộc gặp mặt đầy xúc động ấy kết thúc bằng cái ôm siết chặt, sự thán phục của các chiến sĩ giải phóng: "Rất biết ơn các đồng chí đã tự giải phóng và giữ gìn nguyên vẹn đảo. Không đổ một giọt máu, mừng lắm!".
Sáng 4/5, khắp đảo vang rền khẩu hiệu: "Chào mừng Quân giải phóng miền Nam! Bộ đội Cụ Hồ muôn năm!", những câu hô như vang dội cả bầu trời sau bao năm câm lặng nơi địa ngục trần gian.
Chiều 4/5/1975, tại sân trụ sở Ủy ban cách mạng, lễ mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng được tổ chức trong không khí trang nghiêm, xúc động. Hàng ngàn tù nhân với thân thể tiều tụy nhưng ánh mắt sáng ngời hy vọng đã đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng, ngẩng cao đầu chào đón ngày giải phóng. Ngay sau giải phóng, các lực lượng nữ được tổ chức lại thành nhiều bộ phận: Người may bao tải, người nấu ăn, chăm sóc thương bệnh binh; người đảm nhận công tác giáo dục, văn hóa chuẩn bị cho tương lai phục vụ đất nước. Tối 4/5, chuyến tàu chiến thắng đầu tiên đưa 549 người già yếu về đất liền, mở ra một chương mới: Côn Đảo sẽ không còn là nơi giam cầm, mà là biểu tượng của ý chí kiên cường, của sức mạnh đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do.