70 năm Hội nghị Quân sự Trung Giã - nhìn lại mốc son lịch sử

Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết ngày 22/7/1954 đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, tạo tiền đề tiếp quản, giải phóng Thủ đô vào ngày 10/10/1954.

Thành công của Hiệp định Geneve có dấu ấn đặc biệt quan trọng của Hội nghị Quân sự Trung Giã diễn ra tháng 7/1954.

Cách đây tròn 70 năm, tại khu đồi Đá Ong nay thuộc thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), Hội nghị Quân sự Trung Giã đã được tổ chức. Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần vào thành công của Hội nghị Geneve về lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).

Đồng chí Văn Tiến Dũng trong cuộc đàm phán với phái đoàn Pháp tại Hội nghị Quân sự Trung Giã. Ảnh tư liệu.

Đồng chí Văn Tiến Dũng trong cuộc đàm phán với phái đoàn Pháp tại Hội nghị Quân sự Trung Giã. Ảnh tư liệu.

Vùng an toàn cho “cuộc gặp lịch sử”

Trên cơ sở tổng hợp thông tin từ Viện Lịch sử Quân sự, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn, đi đến thống nhất rằng, năm 1951, bộ đội chủ lực phối hợp với dân quân, du kích tiến công và giành thắng lợi vang dội, tiêu diệt bốt Tú Tạo, buộc quân Pháp phải rút khỏi đồn Khố Xanh tại thôn Bình An (xã Trung Giã) về Núi Đôi (xã Tân Minh). Tiếp đó, quân ta giải phóng đồn Thá (xã Xuân Giang) và đồn Mán Tép (xã Hiền Ninh), làm chủ hoàn toàn một vùng rộng lớn phía Bắc và phía Đông của hai huyện Đa Phúc và Kim Anh (nay thuộc huyện Sóc Sơn). Đến năm 1952, Trung Giã được giải phóng, nối liền với vùng tự do được mở rộng từ căn cứ Cao Bằng - Bắc Kạn -

Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên, nơi đặt đầu não cách mạng của Chính phủ ta. Lúc này, quân Pháp chỉ còn cố thủ ở bốt Núi Đôi và bốt Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn). Như vậy, về tình hình chiến sự, địa điểm Trung Giã được nhận định là nơi an toàn, bảo đảm để mở hội nghị quân sự đôi bên.

Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị Quân sự Trung Giã, đầu tháng 6/1954, Huyện ủy, Ủy ban hành chính, Mặt trận Việt Minh huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn) đã trực tiếp về hai xã Trung Giã và Hồng Kỳ để làm việc với lãnh đạo địa phương, triển khai các hoạt động phục vụ cho hội nghị. Địa điểm xây dựng lán trại phục vụ hội nghị được chọn nằm ở phía Nam thôn Xuân Sơn (xã Trung Giã), trên khu đồi Đá Ong rộng lớn, trải dài khoảng 100ha, tiếp giáp với các thôn Hương Ninh và xóm Ấp Chùa của xã Hồng Kỳ. Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của Nhân dân, chỉ trong thời gian ngắn, đến cuối tháng 6/1954, khu lán trại khang trang đã hoàn thành, sẵn sàng phục vụ hội nghị. Song song với công tác xây dựng các lán trại phục vụ hội nghị, công tác bảo vệ, tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Việc bảo vệ toàn tuyến đường từ đầu cầu Đa Phúc đến xã Tiên Dược, đặc biệt là sân bay Lương Châu đến ven núi Đôi ra tới huyện lỵ Đa Phúc, qua xã Phù Linh, Tân Minh và Hồng Kỳ đến khu vực diễn ra hội nghị do dân quân du kích xã Lạc Long (nay được chia tách thành hai xã Tiên Dược và Phù Linh) và xã Trung Giã đảm nhiệm.

Với công tác chuẩn bị chu đáo, khẩn trương, cẩn trọng, Hội nghị Quân sự Trung Giã đã trở thành “chất xúc tác” cho thành công của Hội nghị Geneve. Thành công của Hội nghị không chỉ là sự chuẩn bị đầy đủ các yếu tố bảo đảm cho thành công của Hội nghị Geneve, mà còn đặt nền móng, mở ra quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Pháp.

Trung tá, thạc sĩ Tạ Thị Nghĩa Thục - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự (Trường Sĩ quan Chính trị).

Những chứng nhân lịch sử

Chúng tôi có cơ duyên gặp Đại tá Nguyễn Văn Tuệ (sinh năm 1933) tại một sự kiện do Bộ Quốc phòng và Thành ủy

Hà Nội tổ chức cuối tháng 7/2024. Ông là chiến sĩ Đại đội 472 thuộc Huyện đội Đa Phúc (nay là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sóc Sơn), người được vinh dự tham gia bảo vệ Hội nghị Quân sự Trung Giã. Với người cựu chiến binh đã ngoài 90 tuổi, nhiều ký ức đang trôi dần vào quên lãng, nhưng kỷ niệm về những ngày phục vụ hội nghị cách đây 70 năm thì vẫn còn rõ nét trong tâm trí.

Đại tá Nguyễn Văn Tuệ nhớ lại, sáng 4/7/1954, Nhân dân huyện Đa Phúc - Kim Anh đã tập trung từ sớm với cờ hoa, biểu ngữ kéo dài hàng cây số xếp hàng hai bên đường từ phố Nỉ theo Quốc lộ 3 đến đường vào khu vực diễn ra hội nghị để hân hoan đón Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đến khoảng 8 giờ, đoàn xe của phái đoàn ta xuất phát từ Thái Nguyên đã đến đầu cầu Đa Phúc - ba xe chở các chiến sĩ cảnh vệ đi trước, hai xe chở đồng chí Văn Tiến Dũng - Trưởng đoàn và các thành viên phái đoàn ta đi giữa, hai xe cảnh vệ tháp tùng phía sau. Các chiến sĩ cảnh vệ của ta quần áo chỉnh tề, vai khoác súng trường, đội mũ gắn sao vàng năm cánh.

Cùng thời gian đó, về hướng Nam, chiếc máy bay ba càng chở phái đoàn quân sự của Pháp đáp xuống sân bay Lương Châu. Các chiến sĩ Đại đội 472 nhận nhiệm vụ đón phái đoàn Pháp. Đoàn xe bắt đầu lăn bánh dọc đường từ sân bay Lương Châu vòng qua chân núi Đôi (lúc này quân Pháp còn đóng ở Núi Đôi rất đông), hướng ra huyện lỵ Đa Phúc để tới nơi tổ chức hội nghị.

Ông Đồng Văn Sinh (sinh năm 1930) là thanh niên xung phong, may mắn có cơ hội tham gia bảo vệ Hội nghị Quân sự Trung Giã, chia sẻ: “Lực lượng dân quân du kích xã Lạc Long và Đoàn thanh niên xã lúc bấy giờ đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp, lên phương án bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Lực lượng dân quân du kích xã Trung Giã được giao nhiệm vụ tuần tra, canh gác 24/24 giờ, tuyên truyền, vận động Nhân dân các thôn, xóm bảo đảm tốt an ninh trật tự trong thời gian diễn ra hội nghị…”. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, cùng với không khí căng thẳng chờ tin tức từ Hội nghị Geneve, bên lề, hàng nghìn người dân của các xã thường xuyên ở vòng ngoài để được nghe tuyên truyền. Có ba tối, quân và dân xã Trung Giã biểu diễn văn nghệ ở khu đồi cạnh Quốc lộ 3.

70 năm sau sự kiện lịch sử,những nhân chứng là người lính, dân quân năm xưa như ông Nguyễn Văn Tuệ, ông Đồng Văn Sinh, giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhớ tới Hội nghị Quân sự Trung Giã. Dù chỉ diễn ra trong 24 ngày (từ 4/7 - 27/7/1954), nhưng Hội nghị Quân sự Trung Giã đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị Geneve, mở ra cánh cửa cho hòa bình ở Đông Dương sau 9 năm trường kỳ kháng chiến.

Quán triệt chủ trương đấu tranh hòa bình của Đảng và từ tư duy, óc phán đoán tình hình cụ thể của một nhà quân sự dày dạn kinh nghiệm chiến trường, trong Hội nghị Quân sự Trung Giã, đồng chí Văn Tiến Dũng đã đưa ra những quyết định, đề nghị đàm phán đầy tính sáng tạo và linh hoạt.

Rõ ràng, những hoạt động đàm phán tích cực của đồng chí Văn Tiến Dũng đã góp phần cởi những nút thắt, bảo đảm tổ chức và duy trì một hội nghị tại chỗ, sẵn sàng một “thực thể” để tiếp nhận và triển khai ngay những nhiệm vụ mà Hội nghị Geneve giao cho, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy và triển khai thực hiện Hiệp định Geneve về Việt Nam.

Thượng tá, thạc sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Lịch sử Quân sự thế giới, Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam).

(Còn nữa)

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/70-nam-hoi-nghi-quan-su-trung-gia-nhin-lai-moc-son-lich-su.html