70 năm khắc ghi lời Bác Hồ dạy

Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) không chỉ là nơi cội nguồn thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, mà còn là nơi lưu giữ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm, khi Người về thăm Phú Thọ: 'Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'.

Di tích lịch sử đền Giếng, nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Di tích lịch sử đền Giếng, nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Chúng tôi vừa có dịp về thăm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Hùng đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm đền Hùng (19/9/1954 - 19/9/2024). Trong cảm xúc tự hào về cội nguồn dân tộc, đứng trước bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” và đền Giếng, mỗi người như lắng nghe được vang vọng ấm áp lời Bác Hồ dạy. Trong 9 lần về thăm Phú Thọ, Bác Hồ đã dành 2 lần đến thăm đền Hùng. Mỗi lần về, Bác đã thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng, trò chuyện, dặn dò cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về việc chăm sóc, gìn giữ di tích đền Hùng và hơn cả là huấn thị về ý chí quyết tâm dựng xây đất nước.

Theo tư liệu được ghi trong cuốn sách “Bác Hồ với Phú Thọ, Phú Thọ làm theo lời Bác”, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về đền Hùng viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong để giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Ngày 18/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đại Từ (Thái Nguyên) qua bến Bình Ca sang đất Tuyên Quang đến đền Hùng và thăm một đơn vị bộ đội đang đóng quân ở đồi Chò, thôn Kim Lăng, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (lúc đó là xã Ba Đình, huyện Phù Ninh). Sau khi đi thăm nơi ăn ở, hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập và công tác của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Bác căn dặn mọi người quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng đã giao cho.

Gần trưa 18/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm thị xã Phú Thọ, tìm hiểu tình hình đời sống và làm ăn của bà con sau khi hòa bình được lập lại, sau đó, đến địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ ở thôn Quang Trung, xã Thanh Hà, ngoại vi thị xã Phú Thọ. Bác không vào trong Văn phòng Tỉnh ủy mà cho xe ô tô dừng ở ngoài đường, gần nơi Văn phòng sơ tán và cho người vào gọi các đồng chí lãnh đạo ra báo cáo. Chiều tối 18/9/1954, Bác về đến đền Hùng và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng sớm 19/9/1954, Bác cùng hai đồng chí Song Hào, Nguyễn Văn Thanh và một số đồng chí bảo vệ leo núi thăm các di tích lịch sử tại đây. Người đi theo cổng chính, thăm các đền và viếng mộ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh từ đền Hạ, chùa Thiền Quang, đền Trung, đền Thượng đến lăng và đền Giếng.

Khi đến trước cửa chùa Thiền Quang, nghỉ lại bên gốc cây thiên tuế, Bác nghe đồng chí Song Hào, Chính ủy Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) báo cáo tỉ mỉ về tình hình của Đại đoàn. Khoảng 10 giờ, ngày 19/9/1954, Bác đã gặp các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại đền Giếng. Các cán bộ, chiến sĩ ngồi xung quanh Bác trên thềm và khoảng sân trước đền Giếng. Trong khi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong khi vào thành phố, phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ, trước những “viên đạn bọc đường”.

Trong cuộc trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ, Người đã nhấn mạnh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước. Nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô; tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn...”.

70 năm đã trôi qua, khắc ghi lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí, khát vọng bảo vệ, xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Lời dạy của Người là ngọn đuốc sáng soi đường cho nhân dân Việt Nam khắc sâu lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đấu tranh chống lại kẻ thù, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy, rèn đức, luyện tài, chung tay xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và giàu mạnh.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/70-nam-khac-ghi-loi-bac-ho-day-post481962.html