Học viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nghiên cứu thực tế tại Khu di tích K9 – Đá Chông

Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), ngày 9/10, Lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa 131, niên khóa 2023 – 2024, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã đi nghiên cứu thực tế tại Khu di tích K9 – Đá Chông, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là địa điểm gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ năm 1969 – 1975.

Lớp Trung cấp lý luận chính trị 131, Trung tâm Chính trị thành phố Yên Bái, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đi thực tế tại Khu di tích K9 - Đá Chông.

Lớp Trung cấp lý luận chính trị 131, Trung tâm Chính trị thành phố Yên Bái, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đi thực tế tại Khu di tích K9 - Đá Chông.

Tham gia nghiên cứu thực tế, 85 cán bộ, giảng viên, học viên của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị thành phố Yên Bái và các học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị hệ không tập trung khóa 131, niên khóa 2023 - 2024 đã thắp hương tưởng niệm Bác kính yêu tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu nhà 2 tầng, hầm trú ẩn, khu vực Đá Chông, bãi đậu xe trưng bày và công trình giữ gìn thi hài Bác Hồ tại Khu di tích K9 – Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội; được trực tiếp tham quan những địa danh lịch sử và lắng nghe những câu chuyện cảm động gắn liền với cuộc đời của Bác trong thời gian sống và làm việc tại đây.

Khu di tích K9 - Đá Chông nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 70 km, là khu di tích có bề dày lịch sử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây in dấu những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong những năm tháng lãnh đạo đất nước. Đây cũng là nơi được Bộ Chính trị chọn là địa điểm để giữ gìn, bảo vệ thi hài của Người từ năm 1969-1975.

Vào năm 1957, trong một lần thăm Sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá Chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc.

Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây.

Lớp Trung cấp lý luận chính trị 131, Trung tâm Chính trị thành phố Yên Bái, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lớp Trung cấp lý luận chính trị 131, Trung tâm Chính trị thành phố Yên Bái, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969, thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969. Từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông.

Hiện nay, K9 đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Bộ Tư lệnh Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9. Tại đây, du khách được thắp hương trước Nhà thờ Bác Hồ, tham quan khu vực bảo quản thì hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc.

Thời gian qua, tại khu Di tích K9 - Đá Chông đã đón nhiều Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể của Trung ương, đơn vị quân đội và nhân dân một số địa phương đến thăm khu di tích, tổ chức các hoạt động: báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, trồng cây lưu niệm… để giáo dục truyền thống, giáo dục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế tại Khu di tích K9 – Đá Chông đã giúp các cán bộ, giảng viên, học viên nắm bắt, hiểu rõ thêm từng sự kiện, từng câu chuyện của Bác trong quá trình sống và làm việc tại đây; giúp các học viên vận dụng những kiến thức đã học trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị hoàn thành tốt các nội dung trong quá trình học tập và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/330098/hoc-vien-truong-chinh-tri-tinh-yen-bai-nghien-cuu-thuc-te-tai-khu-di-tich-k9--da-chong.aspx