70 năm tập kết ra Bắc - Bài cuối: Khát vọng vươn mình

70 năm trôi qua, những nỗ lực học tập, rèn luyện, cống hiến của thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những khó khăn chồng chất sau chiến tranh, để rồi vững vàng đổi mới, hội nhập và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng vợ nâng niu tấm Huân chương Độc lập hạnh Nhì do Nhà nước trao tặng. Ảnh: Anh Tùng

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng vợ nâng niu tấm Huân chương Độc lập hạnh Nhì do Nhà nước trao tặng. Ảnh: Anh Tùng

Các địa phương năm nào đón những người con Nam Bộ vượt biển ra Bắc cũng đang cùng đất nước nung nấu hiện thực khát vọng về kỷ nguyên vươn mình…

Ngay gần cửa Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Điểm nhấn của Khu lưu niệm là tượng đài “con tàu tập kết” và “Bảo tàng tập kết” nằm trong lòng công trình tượng đài. “Con tàu tập kết” được làm bằng bê tông cốt thép, có diện tích khoảng 3.200 m2. Mũi tàu cao 12 m, đứng ở vị trí này có thể bao quát quang cảnh cửa Lạch Hới và một phần trung tâm thành phố du lịch nổi tiếng này, phía sau là hạ nguồn sông Mã đổ ra biển.

Như nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nêu rõ, “Bảo tàng tập kết” là nơi lưu giữ và trưng bày những tư liệu có liên quan đến một sự kiện lịch sử hết sức quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Thông qua các tư liệu, hiện vật này sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc và tinh thần vượt khó để trưởng thành, phát triển của con người Việt Nam, trong đó có những người tập kết và học sinh miền Nam.

Ngược về 70 năm trước, tháng 10 năm 1954, tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Thời điểm lịch sử ấy, thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao, bằng tình cảm ruột thịt Bắc - Nam một nhà và trách nhiệm của mình, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tại các địa điểm: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa. Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 - 5/1955), Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc.

Theo ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đáp lại nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết đã coi Thanh Hóa, coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình, ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, đóng góp nhiều thành tích vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhiều cán bộ, thương binh, bệnh binh, con em miền Nam sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, lại tự nguyện làm đơn lên đường nhập ngũ, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội vào miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương.

Nhìn lại sự kiện này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khẳng định, 70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cách Sầm Sơn gần 180 cây số là đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng, ngôi đình cổ này không chỉ phủ lên mình rêu phong lịch sử mà còn gắn với những kỷ niệm sâu sắc của nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó có ông Trương Đình Long, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Mỏ địa chất, đại biểu Quốc hội khóa VIII.

“Theo kế hoạch thì tàu Ba Lan đưa chúng tôi cập bến Sầm Sơn nhưng vì bão nên tàu đi thẳng ra Hạ Long, về Quý Cao, Hải Dương. Sau đó tôi về Hà Nội và được chọn vào lớp chuyên viên hầm mỏ để chuẩn bị đi làm việc với chuyên gia địa chất Liên Xô. Ngày tập trung về trường 20/7/1955 là cái mốc đáng nhớ của người miền Nam tập kết ra Bắc. Lớp học được tổ chức ở đình Chèm. Tất cả học viên và thầy giáo đều ở nhà dân trong làng Chèm. Lúc đầu ngỡ là đất khách nhưng chính đồng bào miền Bắc đã đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho học sinh miền Nam”, ông Trương Đình Long xúc động nói.

Sau 70 năm, làng cổ bên hữu ngạn sông Hồng giờ đã “lên” phường. Vẻ đẹp khang trang hiện đại và các di tích, công trình văn hóa cổ kính cùng tồn tại song hành ở vùng đất này cũng là minh chứng về sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội. Kể từ ngày mở vòng tay yêu thương đón những học trò miền Nam ra tập kết, Hà Nội đang là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.

Góp một phần bé nhỏ vào sự phát triển đó của Hà Nội, của miền Bắc và Tổ quốc hôm nay là hơn 20 năm học tập, rèn luyện, cống hiến của những người con miền Nam ra tập kết ở miền Bắc. Như Anh hùng lao động Thái Phụng Nê, người được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, người trực tiếp đặt nền móng và xây dựng thủy điện Hòa Bình và tham gia vào nhiều công trình thủy điện khác như Sơn La, Lai Châu, Sêrêpôk. Hay như ông Trần Đình Long, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo nhân dân, người đặt nền móng cho công trình tải điện siêu cao áp 500Kv Bắc Nam…

Và thế hệ hôm nay cũng đang tiếp nối những học sinh trẻ trung, nhiệt huyết năm xưa giờ đã thành ông, bà; viết tiếp hoài bão của những người con miền Nam thành đồng tập kết năm xưa, đã chiến đấu, anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc để có được cơ đồ Việt Nam hôm nay. Tất cả vì mục tiêu góp sức đưa Hà Nội đến năm 2030 trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới. Xa hơn là hoài bão cùng dân tộc sớm biến khát vọng Việt Nam thịnh vượng thành hiện thực, đưa đất nước đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển vào năm 2045.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/70-nam-tap-ket-ra-bac-bai-cuoi-khat-vong-vuon-minh-20241013103800226.htm