70 năm văn hóa, giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển
70 năm qua, Hà Nội có sự bứt phá ngoạn mục khi quy mô ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, thuộc tốp đầu cả nước.
Ngày 8/11, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Diễn đàn văn hóa và giáo dục mùa Thu lần thứ nhất với chủ đề “70 năm văn hóa, giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển”.
Nền tảng định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội
Phát biểu đề dẫn, TS Đỗ Hồng Cường – Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhìn nhận, đây không chỉ là sự kiện khoa học, mà còn là hành trình trở lại, cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa những người yêu văn hóa, hết lòng vì giáo dục và mong muốn góp sức vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
Đó cũng là biểu hiện cho ý thức trách nhiệm, tấm lòng, tình cảm trân quý của thế hệ hôm nay cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển.
“Những ý kiến đóng góp trong hội thảo sẽ là nền tảng để chúng ta xây dựng các chính sách cụ thể, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay của Thủ đô” - TS Đỗ Hồng Cường bày tỏ.
Khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền tảng định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Người trăn trở, suy tư về phương hướng phát triển Hà Nội sao cho tương xứng với tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với tầm nhìn xa trông rộng, những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong suốt 70 năm qua.
Đề cao vai trò tiên phong và tiềm năng phát triển của Hà Nội, Đảng, Nhà nước định hướng mục tiêu phát triển của Thủ đô đến năm 2030 trở thành Thủ đô “văn hiến, văn minh, hiện đại”; đóng vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Bứt phá ngoạn mục cả về lượng và chất
Theo GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú, hiện có Luật Thủ đô sửa đổi, tạo cơ chế cho các cơ sở giáo dục và đào trên địa bàn Thủ đô phát triển. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần xây dựng chiến lược phát triển và bám sát vào những lợi thế đó.
Từ quan điểm “muốn có trò giỏi, phải có thầy giỏi”, GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú gợi mở, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần đề xuất với thành phố về cơ chế tuyển dụng đặc thù, thu hút người tài hội tụ về giúp Trường; đó cũng là giúp cho thành phố Hà Nội.
Thu hút người tài không nên quá coi trọng về bằng cấp, học vị, mà cần nhất là kinh nghiệm và tư duy sáng tạo, có điều kiện thực hiện tư duy sáng tạo. Ngoài ra, cần thu hút các doanh nhân, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng tham gia để giúp Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm đào tạo đa ngành, mang yếu tố đặc thù của Thủ đô.
Về nội lực, GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần có đội ngũ giảng viên giỏi, cập nhật được những vấn đề mới, hiểu được các mục tiêu phát triển của Thủ đô và đất nước, phải có ý thức trong việc tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho phù hợp với tình hình mới để nhà trường thực sự là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học cao phục vụ phát triển của Thủ đô và đất nước.
Trên phương diện giáo dục, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, 70 năm qua, Hà Nội có sự bứt phá ngoạn mục khi quy mô ngày càng phát triển, chất lượng ngày càng nâng cao thuộc tốp đầu cả nước.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, Hà Nội cần có chính sách miễn toàn bộ chi phí học tập, ít nhất đến cấp THCS để dẫn dắt các địa phương trên cả nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Mới đây, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tập trung cao độ trong việc bồi dưỡng gần 6.000 giáo viên những kiến thức về Hà Nội học. Qua đó, lan truyền cảm hứng và tình yêu Hà Nội đến giáo viên, học sinh ở các cấp học.
GS Phùng Hữu Phú cho rằng, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần nắm bắt bước phát triển sắp tới của thành phố sẽ cần gì, từ đó định hướng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhà trường cần tranh thủ chuyên gia từ các trung tâm, đại học đầu ngành; phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo để thực sự là địa chỉ có uy tín, hấp dẫn các nhà khoa học cũng như sinh viên.