70 năm, vẫn vẹn nguyên ký ức
Trong hành trình về với xứ Thanh vào dịp đầu năm 2024, chúng tôi được đồng nghiệp Báo Thanh Hóa dẫn đường tới khu chung cư Phú Sơn, phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa để gặp bà Vũ Thị Kim Lan - người dân công hỏa tuyến năm xưa đã cùng với 11 vạn dân công Thanh Hóa góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Câu chuyện kể của bà đã đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử về thời khắc thiêng liêng của 70 năm trước để sống lại không khí của những ngày gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.
Những kỷ niệm đẹp về một thời hoa lửa
Nằm trên tầng 2 của khu chung cư Phú Sơn, căn phòng của gia đình bà Vũ Thị Kim Lan nhỏ nhưng ấm cúng. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về bà Lan là một người phụ nữ có dáng người nhỏ bé với mái tóc trắng và nụ cười phúc hậu. Biết chúng tôi từ tận Điện Biên xa xôi tìm đến, bà Lan liên tục nắm tay mà bảo rằng: Quý lắm! Bởi thế mà ngay khi vừa đặt ly cà phê nóng hổi, thơm ngào ngạt xuống bàn, bà Lan đã bồi hồi kể lại câu chuyện cách đây hơn 70 năm.
Ngày ấy, để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước cùng ra trận. Ở mảnh đất xứ Thanh, người viết đơn tình nguyện đi bộ đội, người xung phong đi dân công hỏa tuyến với khí thế sục sôi. Không thua kém cánh đàn ông trai tráng, nhiều đoàn nữ dân công gánh bộ cũng hừng hực khí thế vượt hơn 500km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo vận lương ra mặt trận. Thế là cô gái nhỏ nhắn mới vừa tròn 19 tuổi tại làng Xuân Bảng, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cũng viết đơn tình nguyện lên đường…
Bà Vũ Thị Kim Lan nhớ lại: “Khi chiến dịch cần chi viện một lượng lớn lương thực, ở huyện Quảng Xương quê tôi, cả làng, cả xã đều tham gia tải lương lên Điện Biên Phủ. Đầu năm 1954, cùng với 11 vạn dân công xứ Thanh, gồm cả xe thồ và đòn gánh, tôi cũng tình nguyện tham gia gánh gạo từ huyện Quảng Xương lên đến chiến trường. Dòng người vận chuyển lương thực suốt ngày đêm không nghỉ. Hành trang với tôi lúc đó là đòn gánh và đôi bồ cùng khoảng 40kg gạo trên vai. Dọc đường đi nếu có sử dụng để nấu ăn thì đến trạm tiếp theo lại bổ sung cho đủ số lượng rồi mới tiếp tục lên đường. Ngày đó, đường đi lại khó khăn vô cùng, xuyên qua tỉnh Thanh Hóa đến Hòa Bình rồi Sơn La… đều là đường rừng nên việc vận chuyển lương thực rất gian khổ. Có những đoạn phải gánh thẳng đòn chứ không thể gánh ngang vì đường quá hẹp. Bữa ăn thì chẳng có gì ngoài chút muối ép, rau rừng. Cả hành trình dài với đòn gánh nặng trĩu vai nhưng cũng chẳng có chỗ để nghỉ. Cứ đến điểm dừng chân là ngả đòn gánh ra, gối đầu nằm tạm, đến giờ lại tiếp tục lên đường…”.
Ấy thế mà 11 vạn dân công xứ Thanh vẫn nô nức lên đường, đông như trẩy hội. Từng đoàn, từng đoàn cứ thế nối đuôi nhau ngược ngàn lên Tây Bắc. Đi qua những đoạn khó, nhất là khi qua suối thì người khỏe giúp người yếu một tay, một chân để bảo đảm lộ trình. Mỗi khi máy bay địch rào rào bay qua, bà Lan và mọi người phải đặt gánh, nằm sấp xuống mặt đất để tránh đạn. Nhưng may mắn là trong cả hành trình của mình, bà và đồng đội không ai bị thương. Có lẽ là những cánh rừng dày đặc cây cối đã bao bọc, che chở cho đoàn dân công… “Thời gian phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cái gian khổ, cái mệt mỏi rất lớn. Nhưng mà nghĩ đến việc đi đánh đuổi giặc đang xâm lược quê hương thì ai cũng như ai cả, một lòng quyết chí đi phục vụ chiến dịch” - bà Lan bồi hồi nhớ lại.
Và giây phút đáng nhớ trong cuộc đời
Cho đến hôm nay, dù 70 năm đã qua, nhưng bà Lan vẫn không quên được giây phút lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của bộ đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ-cát. Bà Lan kể: “Đúng vào ngày 7.5.1954 tôi có mặt tại Điện Biên Phủ. Nghe tin thắng trận báo về, mọi người ai nấy đều tưng bừng phấn khởi, quên hết tất cả mệt mỏi mà chỉ có một lòng tự hào về đất nước mình. Bộ đội, dân công ai cũng như sao trên trời vì vui mừng quá. Qua biết bao gian lao, vất vả, hy sinh đến nay chiến dịch thắng lợi, đã giải phóng được Điện Biên Phủ rồi”.
Chiến thắng đã về ta nhưng hành trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của bà Lan chưa dừng lại ở đó. Sau chiến dịch, bà được tuyển vào bộ đội, làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh ở Đội điều trị số 6 và tham gia đưa thương binh trở về địa phương. Trên hành trình đó của bà cũng có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Bà Lan nhớ lại: “Năm đó khi đưa thương binh về đến làng Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa thì một đồng chí thương binh qua đời ở ngay giữa cánh đồng mênh mông. Đồng chí quân y thì đã quá mệt nên tạm rút về nghỉ ngơi còn có sức điều trị cho các thương binh khác. Vậy là chỉ còn một mình tôi đứng canh gác thi hài đồng đội từ 6 giờ chiều hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Lúc đó tôi cũng không hề thấy sợ mà chỉ thương đồng đội mình không được hưởng ngày vui chiến thắng. Cho đến sáng sớm hôm sau, khi đồng chí quân y trở lại thì mới ôm chầm lấy tôi, xúc động vì tôi đã làm tròn nhiệm vụ”.
Câu chuyện kể của bà Lan đã đưa chúng tôi ngược thời gian về 70 năm về trước, khi cả xứ Thanh hướng về Điện Biên với một quyết tâm sắt đá đánh thắng kẻ thù xâm lược. Cùng với bà Lan, hàng vạn người dân Thanh Hóa khác đã có nhiều đóng góp quan trọng cả sức người, sức của vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Và rồi nhiều cái tên của người con xứ Thanh đi vào lịch sử, như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện, xã Nông Trường, huyện Nông Cống hi sinh lấy thân mình chèn pháo; hình ảnh chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định tháo gỡ cả bàn thờ gia tiên để đóng bánh xe cút kít tải lương thực phục vụ kháng chiến và còn nhiều tấm gương anh hùng, hành động, nghĩa cử cao đẹp khác… Chúng tôi - thế hệ trẻ của Điện Biên hôm nay, bằng tất cả sự tri ân, xin cảm ơn những đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để có được mảnh đất Điện Biên tươi đẹp như ngày hôm nay.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/70-nam-van-ven-nguyen-ky-uc-i366902/