700m đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng
Một đoạn đê biển Tây dài khoảng 700m tại khu vực vàm Tiểu Dừa (tiếp giáp với tỉnh Cà Mau), xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, xuất hiện sóng to, gió lớn gây ra.
Theo đó, phần lớn mặt đê này đã bị sóng gió cuốn trôi, nước biển ngập tràn qua và dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến xấu thì đoạn đê biển này sẽ bị sạt lở nghiêm trọng hơn. Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với huyện An Minh đã huy động các lực lượng ứng cứu đê, sử dụng cừ tràm đóng xuống, đắp đất gia cố thân đê nhưng không trụ vững trước sóng to, gió lớn đánh mạnh vào bờ. Toàn bộ đất gia cố thân đê tiếp tục bị cuốn trôi ra biển, cừ tràm giạt ra xiêu vẹo.
Hiện nhiều ao đầm nuôi thủy sản, nhà ở, cây trồng, vật nuôi… của người dân ở đây bị uy hiếp do đê vỡ nước mặn tràn vào, triều cường dâng, sóng to, gió lớn có thể xảy ra, ập đến bất cứ lúc nào, gây thiệt hại tài sản nhân dân không lường trước được.
UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục khẩn cấp ứng cứu đê, đảm bảo an toàn cho đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực sạt lở. Tỉnh chỉ đạo ngành hữu quan cùng với địa phương tuyên truyền phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở đê biển để chủ động phòng tránh, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn. Khắc phục và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân. Các đơn vị chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, trước mắt, tỉnh thực hiện phương án sử dụng rọ đá để khắc phục sạt lở đoạn đê này với tổng kinh phí ước tính gần 10 tỷ đồng. Dự kiến thi công xây dựng trong vài ngày tới nhằm ngăn triều cường, sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và đời sống, sản xuất của nhân dân trong khu vực sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, bãi bồi ven biển không ổn định và thay đổi theo từng năm, hiện tượng bồi, lở bờ biển theo mùa và theo điều kiện diễn biến của thời tiết, xói lở, sạt lở nhiều hơn là bồi tụ. Hiện nay, trên bờ biển tỉnh Kiên Giang từ Mũi Nai (TP. Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh) dài khoảng 200 km có hành chục điểm trong tình trạng bị sạt lở, với tổng chiều dài các đoạn hơn 90 km, tổng nhu cầu vốn khắc phục sạt lở, xói lở khoảng 2.165 tỷ đồng; trong đó, đã có nguồn và dự kiến số vốn thực hiện tổng chiều dài hơn 25 km là gần 550 tỷ đồng.