71 nhà kinh tế kêu gọi Mỹ trả tài sản bị đóng băng cho Afghanistan

Mỹ đã đóng băng khoản dự trữ 7 tỷ USD của Afghanistan sau khi Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này một năm trước.

Khoảng 71 nhà kinh tế, bao gồm cả những người đoạt giải Nobel, đã kêu gọi Washington trả lại 7 tỷ USD cho Afghanistan, cho biết hơn một nửa dân số của quốc gia Nam Á đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và 3 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, AFP cho biết.

Theo AFP, nhiều nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ và quốc tế đã thúc giục chính phủ Mỹ giải phóng khoản dự trữ 7 tỷ USD của Afghanistan mà Washington đã đóng băng sau khi Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này một năm trước.

“Chúng tôi vô cùng lo ngại về thảm họa kinh tế và nhân đạo đang diễn ra ở Afghanistan, và đặc biệt, bởi vai trò của chính sách của Mỹ trong việc thúc đẩy những điều này”, 71 nhà kinh tế và chuyên gia phát triển cho biết hôm 10/8 trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Bức thư có đoạn: “Nếu không có nguồn dự trữ ngoại hối, ngân hàng trung ương Afghanistan không thể thực hiện các chức năng thiết yếu, bình thường của mình. Nếu ngân hàng trung ương Afghanistan không hoạt động, nền kinh tế Afghanistan chắc chắn sụp đổ”.

Lối vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul sau khi nhân viên được sơ tán đến sân bay, ngày 15/8/2021, khi Taliban chuẩn bị trở lại cầm quyền ở Afghanistan. Ảnh: NYT

Lối vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul sau khi nhân viên được sơ tán đến sân bay, ngày 15/8/2021, khi Taliban chuẩn bị trở lại cầm quyền ở Afghanistan. Ảnh: NYT

Trong số những người ký tên vào bức thư có những người từng đoạt giải Nobel kinh tế: Giáo sư Đại học Columbia Joseph Stiglitz và cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis. Ông Varoufakis đương chức khi Hy Lạp đang đàm phán với các chủ nợ sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.

“Nó thuộc về người Afghanistan”

Trong bức thư, họ cho rằng Mỹ không thể biện minh cho việc giữ lại các khoản dự trữ, vốn đã đóng băng trong các ngân hàng Mỹ khi chính phủ trước đó được Washington hậu thuẫn ở Kabul sụp đổ, dẫn đến việc Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước từ tháng 8/2021 đến nay.

Các nhà kinh tế cho biết, kể từ khi Mỹ rút quân, sự lao dốc trong hoạt động kinh tế và việc cắt giảm mạnh viện trợ từ các đơn vị, tổ chức quốc tế ủng hộ nước này đã khiến nền kinh tế Afghanistan rơi vào hỗn loạn.

“70% hộ gia đình Afghanistan không thể tự đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của chính họ”, bức thư cho biết.

“Khoảng 22,8 triệu người - hơn một nửa dân số Afghanistan - đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, và 3 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng”.

Các nhà kinh tế cho rằng điều này càng trở nên tồi tệ hơn khi khoản dự trữ 7 tỷ USD của Afghanistan vẫn đang bị Mỹ phong tỏa và 2 tỷ USD khác đang bị đóng băng ở Anh, Đức và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

“Những khoản dự trữ này rất quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế Afghanistan, đặc biệt, để quản lý nguồn cung tiền, ổn định tiền tệ và thanh toán cho hàng nhập khẩu –– chủ yếu là thực phẩm và dầu –– mà Afghanistan dựa vào”, bức thư nhấn mạnh.

Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đang tăng vọt trên khắp Afghanistan. Ảnh: Anadolu Agency

Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đang tăng vọt trên khắp Afghanistan. Ảnh: Anadolu Agency

Các nhà kinh tế cũng cho biết, đề nghị gần đây của Mỹ cho phép Taliban tiếp cận một nửa số tiền bằng cách thiết lập một quỹ tín thác với sự giám sát quốc tế là không đủ.

“Toàn bộ 7 tỷ USD này thuộc về người dân Afghanistan”, các nhà kinh tế nói, một lần nữa nhấn mạnh rằng khoản tiền này là cực kỳ quan trọng đối với sự phục hổi của nền kinh tế Afghanistan vốn đang điêu đứng.

Minh Đức (Theo TRT World)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/71-nha-kinh-te-keu-goi-my-tra-tai-san-bi-dong-bang-cho-afghanistan-a564138.html