73 triệu thai nhi bị từ chối ra đời mỗi năm
Mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong số đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm.
73 triệu ca phá thai mỗi năm
Theo báo cáo "Tình trạng dân số thế giới 2022" do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong số đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm.
Ước tính, trên thế giới có khoảng 45% số ca phá thai không an toàn và hơn một nửa trong số đó xảy ra ở châu Á, phần lớn tập trung ở Nam Á và Trung Á. Mỗi năm có khoảng 4,7 - 13,2% số ca tử vong mẹ được cho là do phá thai không an toàn.
Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê Bộ Y tế được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương (số liệu này chưa thu thập hết các trường hợp phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân), những năm gần đây, nước ta ghi nhận khoảng 200.000 - 250.000 ca phá thai mỗi năm.
Tỷ số phá thai đã giảm qua các năm, từ 37 ca phá thai trên 100 trẻ đẻ sống (năm 2005) xuống 13,2 ca (năm 2019). Trong đó, chủ yếu là thai dưới 7 tuần tuổi thai (gần 75%).
Riêng tỷ lệ phá thai theo độ tuổi, các ước tính trong "Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021" do Tổng cục Thống kê và tổ chức UNICEF thực hiện cho thấy, tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25 - 29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20 - 24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), đến nhóm từ 30 - 39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15 - 19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.
Điều đáng quan tâm, phụ nữ phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Theo "Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam" do UNFPA thực hiện năm 2016, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết, họ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình.
Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.
Trong đó, lý do mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai gần đây nhất (53,6%), còn lý do sử dụng biện pháp tránh thai nhưng thất bại chiếm 8,9%; lý do phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi là 1,6%.
Biến chứng khi phá thai
Theo WHO, sau khi phá thai không an toàn, phụ nữ có thể gặp phải một số tác hại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của họ, một số còn có thể gặp những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
- Vô sinh: Phá thai không an toàn ở chị em có thể gây nhiễm trùng dẫn đến: Viêm vòi trứng, viêm tử cung, tắc nghẽn vòi trứng... từ đó gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung, dễ sảy thai hay sinh non. Khi các bộ phận sinh dục của chị em bị viêm nhiễm thì lượng vi khuẩn có hại sẽ có cơ hội sinh sôi nảy nở, làm cản trở quá trình tinh trùng vào trứng thụ tinh, nên có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
- Băng huyết: Các thao tác nạo, hút thai nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể làm cho cổ tử cung bị rách thủng, vỡ tử cung. Nếu không được xử trí kịp thời và thích hợp có thể gây choáng mất máu, đe dọa đến tính mạng.
- Nhiễm trùng: Nếu không chăm sóc sau phá thai đúng cách, cơ hội bị nhiễm trùng là rất cao. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến tử cung và cổ tử cung, gây ra viêm nhiễm và triệu chứng khó chịu khác.
- Thủng tử cung: Xảy ra khi tử cung bị xuyên thủng bởi vật nhọn.
- Tổn thương đường sinh dục và các cơ quan nội tạng do đưa các vật nguy hiểm vào, ví dụ như que, kim đan hoặc mảnh kính vỡ vào âm đạo, hậu môn.
Chính vì vậy, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn,… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, vào ngày 28/9 tới đây tại Hà Nội, Hội KHHGĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải quyết vấn đề mang thai ngoài ý muốn ở Việt Nam” với sự góp mặt của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/73-trieu-thai-nhi-bi-tu-choi-ra-doi-moi-nam-d193765.html