730 triệu cổ phiếu sắp chào sàn, BCG Energy có gì đáng chú ý?

Nằm trong Top 3 nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, BCG Energy được đánh giá cao về triển vọng dài hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, giới quan sát ít nhiều quan ngại về những rủi ro.

730 triệu cổ phiếu sắp chào sàn UPCoM, BCG Energy có gì đáng chú ý?

730 triệu cổ phiếu sắp chào sàn UPCoM, BCG Energy có gì đáng chú ý?

Hành trang lên sàn của BCG Energy

Mới đây, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Công ty Cổ phần BCG Energy với tên mã là BGE. Số lượng đăng ký là 730 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị đăng ký đạt 7.300 tỷ đồng. Đây là một trong các công ty thành viên trụ cột của Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG), phụ trách mảng năng lượng tái tạo.

Với việc sẽ lên sàn trong thời gian tới, BCG Energy (từ đây gọi tắt là BGE) trở thành doanh nghiệp thứ tư của Bamboo Capital Group niêm yết, cùng với: Công ty mẹ (HoSE: BCG), Tracodi (HoSE: TCD) và BCG Land (UPCoM: BCR).

Được thành lập vào năm 2017 với vốn điều lệ 230 tỷ đồng, trải qua 8 lần tăng vốn, BGE hiện có vốn điều lệ 7.300 tỷ đồng và sở hữu 21 đơn vị thành viên.

Danh mục dự án của công ty khá đồ sộ, thuộc hầu hết mảng miếng của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cụ thể, về điện mặt trời, BGE có 4 dự án lớn, gồm: Băng Dương (40,6MWp), GAIA (100,5MWp), Phù Mỹ (330MWp), VNECO Vĩnh Long (49,3MWp) cùng với 74 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 74MWp.

Ngoài ra, công ty có 4 dự án điện gió, điện mặt trời cùng 23 dự án điện mặt trời áp mái đang triển khai và vẫn còn nằm trong quy hoạch, tiêu biểu như: điện mặt trời Krông Pa 2 (49MWp), điện gió trên bờ Sóc Trăng (50MW), điện gió ngoài khơi Đông Thành 1 (80MW), điện gió ngoài khơi Đông Thành 2 (120MW)…

 Dự án điện gió BCG Sóc Trăng. Ảnh: BCG Energy.

Dự án điện gió BCG Sóc Trăng. Ảnh: BCG Energy.

Những năm gần đây, BGE đã có những quan hệ kinh doanh khá chất lượng với đối tác ngoại, điển hình là: hợp tác với Sembcorp Industries để phát triển các dự án năng lượng tái tạo lên đến 1,5GW tại Việt Nam; hợp tác với Singapore Power Group liên doanh đầu tư điện áp mái với mục tiêu tổng công suất 500MWp vào năm 2025.

Ngoài ra, đầu năm nay, BGE cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc về mua bán cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, đánh dấu việc bước chân vào điện rác. Mục tiêu chung của BGE là đến 2026 đạt tổng công suất 2GW.

BGE đang làm ăn ra sao?

Tham gia mảng năng lượng tái tạo vào thời điểm ban sơ của lĩnh vực này tại Việt Nam, BGE đã có những tích lũy cơ bản về lợi nhuận trước khi lên sàn. Tính đến cuối năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của công ty đạt 186 tỷ đồng. Về cơ bản, đây là một mức lợi nhuận khá khiêm tốn cho 1 doanh nghiệp đã có 7 năm hoạt động.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận lũy kế thấp như vậy là trong năm 2023, BGE đã thua lỗ khá nặng nề. Theo đó, năm 2023, BGE ghi nhận doanh thu thuần 1.125,6 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước, tuyệt đại đa số là doanh thu của các dự án điện mặt trời. Lợi nhuận gộp đạt 535 tỷ đồng, tăng 3,5%, tương ứng biên lợi nhuận gộp 48%.

Trong năm, BGE có thêm 744 tỷ đồng doanh thu tài chính cùng 49 tỷ đồng thu nhập khác. Tuy nhiên, với việc chi phí tài chính lên tới 1.345 tỷ đồng, chi phí quản lý 70 tỷ đồng, BGE lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 186 tỷ đồng.

Kết năm 2023, BGE lỗ trước thuế 146 tỷ đồng và lỗ sau thuế 152 tỷ đồng (trong khi năm trước lãi sau thuế 295 tỷ đồng).

 BCG Energy sẽ xây dựng nhà máy điện rác đầu tiên tại TP.HCM trong năm 2024

BCG Energy sẽ xây dựng nhà máy điện rác đầu tiên tại TP.HCM trong năm 2024

BGE giải trình việc thua lỗ là do đánh giá lỗ chênh lệch tỷ giá đối với một số khoản vay bằng USD với tổng dư nợ khoảng 140 triệu USD cùng chi phí tài chính liên quan đến khoản vay nước ngoài như chi phí tư vấn thu xếp vốn và chi phí thẩm định.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển kinh doanh trong năm 2023 của công ty cũng không thuận lợi khi công tác triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Cả năm 2023, BGE chỉ hoàn thành được 2MWp điện mặt trời áp mái, trong khi các chính sách mua điện, giá cho năng lượng tái tạo không thuận lợi.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của BGE đạt 19.036 tỷ đồng. Chất lượng tài sản có phần quan ngại khi các khoản phải thu rất lớn, đạt 7.670 tỷ đồng, chiếm tới 40,3% tổng tài sản, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (7.159 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, nợ vay của công ty lên tới 6.398 tỷ đồng, đồng nghĩa có tới 33,6% tài sản của BGE được hình thành từ các khoản vay mượn. Đây chính là nguyên nhân của khoản chi phí tài chính khổng lồ đã “bào sạch” nguồn thu của của BGE trong năm 2023.

Triển vọng và rủi ro

Về mặt lý thuyết, có thể xem BGE là một doanh nghiệp có triển vọng tốt, bởi Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu điện, nhu cầu sử dụng điện lại tăng với tốc độ 8,5%/năm trong vòng ít nhất 5 năm tới, trong khi năng lượng tái tạo đang là lĩnh vực được ưu tiên phát triển. Với gần 600MWp đang vận hành, BGE nắm giữ lợi thế lớn trong cuộc đua tranh lợi ích của ngành năng lượng tái tạo.

Đó là lý do mà BGE đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng cho giai đoạn 5 năm tới, với doanh thu từ 2024 đến 2028 lần lượt là: 1.520 tỷ đồng, 3.452 tỷ đồng, 6.941 tỷ đồng, 7.161 tỷ đồng và 7.368 tỷ đồng. Tương ứng trong cùng giai đoạn, lợi nhuận mục tiêu là: 513 tỷ đồng, 600 tỷ đồng, 636 tỷ đồng, 838 tỷ đồng và 1.121 tỷ đồng.

 Dự án điện mặt trời Phù Mỹ (Ảnh: BCG Ener

Dự án điện mặt trời Phù Mỹ (Ảnh: BCG Ener

Với riêng năm 2024, mục tiêu kinh doanh của BGE được dựa trên việc tiếp tục ghi nhận doanh thu từ các dự án đã đưa vào vận hành thương mại trong các năm trước đó như BCG Băng Dương, GAIA, VNECO – Vĩnh Long, Phù Mỹ và 74 MWp điện mặt trời áp mái. Sản lượng phát điện dự kiến tăng trưởng với việc dự án điện mặt trời KrôngPa 2 (giai đoạn 1) công suất 21MWp đi vào vận hành thương mại trong 2024 theo giá điện dành cho dự án chuyển tiếp. Ngoài ra, công ty có thể nghiệm thu và dự kiến đưa vào vận hành thương mại thêm 106MWp điện mặt trời áp mái (bao gồm 10MWp đang xây dựng và 96MWp nằm trong kế hoạch phát triển).

Dù vậy, thật khó để có thể đánh giá một kế hoạch 5 năm có thể khả thi đến mức độ nào, bởi trên thực tế, BGE cũng đang đối diện với những rủi ro không nhỏ.

Cụ thể, trong ngắn hạn, cung năng lượng tái tạo đang vượt cầu, do các dự án năng lượng tái tạo đã phát triển vượt mức ở giai đoạn trước và chỉ tập trung tại miền Trung và miền Nam. Công suất dư thừa tại 2 khu vực này không thể chuyển ra Bắc do sự không đồng bộ của hệ thống truyền tải.

Ngoài ra, có thể thấy chính sách về năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn mang tính ngắn hạn và không hẳn mang lại lợi ích lớn cho các nhà đầu tư. Mặt khác, giá điện chuyển tiếp thấp hơn khung giá cũ, ảnh hưởng không ít đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

Còn về khía cạnh thu xếp vốn cho việc mở rộng đầu tư các dự án, việc tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế đang ngày càng hạn chế. Đó là chưa nói, với một doanh nghiệp có đòn bẩy lớn như BGE, càng vay càng nặng gánh, và một cú sốc bất chợt có thể khiến doanh nghiệp này rơi vào tình cảnh “gãy xương đòn”.

Nhìn chung, BGE là một doanh nghiệp đáng trông cậy, bởi ngành nghề mà đơn vị này lựa chọn thuộc về tương lai. Chỉ có điều, trong bước đường còn ít nhiều gập ghềnh ở giai đoạn bình minh của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, các rủi ro luôn rình rập. Kỳ vọng trong thận trọng có lẽ sẽ là phương châm đối với những người đang muốn nắm giữ BGE khi doanh nghiệp này lên sàn.

Bamboo Capital thông báo bán ra 26,5 triệu cổ phần của BGE, sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 50,66% xuống còn 47,03% vốn BGE. Bên cạnh đó, Bamboo Capital sẽ nhận ủy quyền biểu quyết từ Công ty TNHH MTV NHN (công ty thuộc sở hữu của cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Nam) đối với khối lượng 11,5 triệu cổ phiếu của BGE, tương ứng với 1,57% vốn điều lệ, đồng thời đại diện đối với toàn bộ quyền biểu quyết phát sinh của công ty NHN.

Thêm nữa, hai cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Huỳnh Thị Kim Tuyến sẽ ủy quyền cho BCG thực hiện quyền cổ đông đối với số lượng lần lượt là 6 triệu cổ phần (0,82%) và 21 triệu cổ phần (2,88%).

Như vậy, sau khi nhận ủy quyền từ các cổ đông NHN, ông Nguyễn Hồ Nam và bà Huỳnh Thị Kim Tuyến - Tập đoàn Bamboo Capital vẫn nắm quyền kiểm soát cả trực tiếp và gián tiếp với BCG Energy với tổng quyền biểu quyết là 52,3% vốn điều lệ.

Hải Thu

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/730-trieu-co-phieu-sap-chao-san-bcg-energy-co-gi-dang-chu-y-post176037.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat