75 NĂM CHIẾN DỊCH CẦU KÈ (12/1949 - 12/2024):
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ngày nay, trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 307 bộ đội chủ lực Khu 8 có hai chiến thắng lớn là trận La Bang (12/1948) và chiến dịch Cầu Kè (12/1949), góp phần tạo nên tên tuổi của tiểu đoàn này(*). Nhân kỷ niệm 75 năm Chiến dịch Cầu Kè, chúng tôi có dịp quay về vùng đất trù phú dọc theo tuyến Quốc lộ 54 (xưa là Tỉnh lộ 37), từ Phong Thạnh qua Phong Phú, lên thị trấn Cầu Kè, vòng qua Thông Hòa… lần theo bàn chân chiến thắng của Tiểu đoàn oai dũng 307.
Hồi đó, tính đến cuối năm 1948, đầu năm 1949, trên chiến trường Nam Bộ, thực dân Pháp thực sự lâm vào cảnh sa lầy, ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” bị phá sản nên buộc phải chuyển sang “lấy chiến tranh nuội chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”, mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long là trọng điểm bình định nhằm gom quân bắt lính, chiếm đoạt của cải phục vụ chiến trường cả nước. Vùng đất trù phú, có đông đồng bào Khmer dọc theo Sông Hậu từ Cầu Kè xuống tới Trà Cú được thực dân Pháp xem là nguồn quan trọng cung cấp binh lính, lương thực nên tổ chức chiếm đóng, kềm thật chặt.
Tại huyện lỵ Cầu Kè, chúng bố trí 03 đại đội Commandos vừa chốt giữ vừa làm nhiệm vụ lưu động ứng chiến. Dọc theo tuyến Tỉnh lộ 37 có hàng chục tháp canh ở cấp tiểu đội và tại Bắcsama, cửa ngõ giáp huyện Tiểu Cần là một đồn kiên cố cấp trung đội bảo an binh (tương đương lính bảo an chi khu sau này) có tăng cường. Ngoài ra, tại mỗi phum sóc, chúng đều tổ chức các toán bảo an sóc (Bảo an sóc là loại hình như dân vệ sau này được thực dân Pháp tổ chức tại từng sóc nhỏ, gồm toàn bộ thanh niên Khmer tại chỗ vừa trang bị vũ khí vừa trực tiếp chống phá cách mạng vừa là lực lượng “dự bị” để khi cần thiết, chúng đưa từng toán bổ súng vào các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh của chúng), trang bị súng trường, thường xuyên tuần tra, canh gác, không để cán bộ, chiến sĩ cách mạng có thể xâm nhập.
Trước tình hình đó, cuối tháng 11/1949, Bộ Tư lệnh Khu 8 (trong kháng chiến chống Pháp, Trà Vinh thuộc Khu 8 nhưng trong kháng chiến chống Mỹ và hiện nay lại thuộc Khu 9) quyết định mở chiến dịch Cầu Kè, với mục tiêu là tiêu diệt các đơn vị đồn trú, giải giới bảo an sóc, tiêu diệt các đơn vị cứu viện của địch; phá vỡ hệ thống kềm kẹp trong vùng có đông đồng bào Khmer, phá vỡ nguồn cung cấp nhân lực, vật lực phục vụ chiến tranh của chúng; mở rộng vùng giải phóng nối liền Khu 8 (Bắc Sông Hậu) với Khu 9 (Nam Sông Hậu). Tiểu đoàn chủ lực 307 được điều từ Tháp Mười về, phối hợp với Tiểu đoàn 308 (vừa thành lập trước đó tại Vĩnh Xuân, Trà Ôn) và các đơn vị địa phương quân Vĩnh Long, địa phương quân Trà Vinh, quân dân Cầu Kè cùng các huyện lân cận đi vào chiến dịch.
Theo kế hoạch tác chiến: Ở mặt trận A, Tiểu đoàn 308 phối hợp cùng một bộ phận của Trung đoàn 99 và địa phương quân Vĩnh Long bao vây tấn công các căn cứ địch tại huyện lỵ; đồng thời, bố trí chặn lực lượng địch tiếp viện từ Cần Thơ theo sông Bến Cát và lộ Chông Nô. Ở mặt trận B, Tiểu đoàn 307 phối hợp cùng địa phương quân Trà Vinh, quân dân Cầu Kè tấn công tiêu diệt đồn Bắcsama, gỡ toàn bộ các tháp canh trên tuyến lộ 37, giải giới các toán bảo an sóc; sau đó, tổ chức trận địa phục kích tại giồng Phong Phú, tiêu diệt lực lượng tiếp viện địch về giải vây huyện lỵ Cầu Kè. Mặt trận B là mặt trận chủ yếu mang tính quyết định thắng lợi của chiến dịch nên Chỉ huy sở, do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến (Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là Trung tướng Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (1971 - 1975)) làm Chỉ huy trưởng, đóng tại chùa ấp Nhì (Phong Phú), bộ phận hậu cần và Trạm xá dã chiến đóng tại khu vực tiếp giáp các xã Tân An, Thông Hòa, Thạnh Phú, nơi giao nhau giữa sông Trà Ngoa, kinh Tổng Tồn, rạch Phong Phú, rạch Phong Thạnh… thuận tiện cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực, thương binh, tử sĩ ra vào các mặt trận (hầu hết tử sĩ bộ đội chủ lực hy sinh trong chiến dịch Cầu Kè được chôn cất tại khu đất trống thuộc ấp Trà Ốt (xã Thông Hòa) giáp với kinh Tổng Tồn, được nhân dân địa phương gìn giữ, chăm sóc cho đến sau ngày giải phóng và “Nghĩa địa” trở thành địa danh dân gian cho khu vực này. Ngày nay, sau khi hài cốt liệt sĩ được bốc cất, qui tập về các nghĩa trang, khu vực này trở thành nên trù phú và một ngôi chợ được dựng lên với cái tên chính thức và chợ Trà Ốt nhưng người dân lớn tuổi tại đây vẫn quen gọi là “chợ nghĩa địa”).
Đêm 07/12/1949, tại mặt trận A, các đơn vị bộ đội đồng loạt bao vây, tấn công 03 đại đội Commandos tại huyện lỵ; tại mặt trận B, một đại đội thuộc Tiểu đoàn 307 dùng hỏa công đánh đồn Bắcsama nhưng do đồn này quá kiên cố, lực lượng địch đông nên ta chưa tiêu diệt được. Sáng ngày 08/12/1949, bộ đội và quân dân địa phương điều nghiên lại thì phát hiện phía sau đồn thông với nhà ăn, nhà bếp chứa nhiều chất dễ cháy như lúa gạo, củi, trấu. Nắm được tử huyệt này, bộ đội bí mật vượt rạch Phong Thạnh, dùng hỏa công đốt cháy nhà bếp, nhà ăn và đang mùa gió chướng mạnh nên khói lửa mịt mù, lan nhanh vào đồn, tạo điều kiện cho bộ đội xung phong chiếm lĩnh đồn, tiêu diệt toàn bộ trung đội lính đồn trú. Cùng lúc đó, Trung đội Liên quân Miên - Việt tỉnh Trà Vinh cùng các đơn vị địa phương quân tỉnh và huyện, dân quân các xã tiến hành giải giới các toán bảo an sóc, giải tán tề, đứng chân vũ trang tuyên truyền trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Cùng lúc đó, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh các xã Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh vận động hàng trăm dân công tràn lên cùng bộ đội san bằng đồn bót, tháp canh, phá hoại làm làm sập cầu sắt Bắcsama và làm hư hỏng nặng tuyến Tỉnh lộ 37, từ Ranh Hạt lên Châu Điền. Ngay sau đó, bộ đội chủ lực rời Bắcsama về giồng Phong Phú, lập trận địa phục kích, chờ giặc tới.
Ngày 08/12/1949, thực dân Pháp tung Tiểu đoàn số 2 thuộc Trung đoàn Marocco số 1 từ Cần Thơ (thời điểm này, về phía kháng chiến Cầu Kè thuộc tỉnh Vĩnh Long nhưng phía thực dân Pháp lại thuộc tỉnh Cần Thơ), theo Sông Hậu đổ bộ vào vàm Bến Cát định theo đường Chông Nô vào giải vây cho huyện lỵ Cầu Kè nhưng vấp phải sự chống trả của Tiểu đoàn 308. Đến chiều 09/12/1949, Tiểu đoàn Marocco lui quân, xuống tàu di chuyển xuống vàm Cầu Quan. Tại đây, chúng củng cố, ổn định lại đội hình để ngày 10/12/1949, di chuyển bằng xe quân sự, theo Tỉnh lộ 36 vào Tiểu Cần, rồi theo Tỉnh lộ 37 hành quân lên Bắcsama. Do cầu sắt đã bị sập, chúng buộc phải dừng chân, chuẩn bị đội hình cho cuộc hành quân bộ lên huyện lỵ.
Trong suốt hai ngày 09 và 10/12/1949, thực dân Pháp cho máy bay ném bom, bắn phá dọc hai bên lộ 37, từ Bắcsama qua Phong Phú, Châu Điền nhưng không gây thiệt hại cho bộ đội cũng như không làm lộ trận địa phục kích.
Sáng ngày 11/12/1949, chỉ huy Tiểu đoàn Marocco cho trung đội trinh sát từ Bắcsama dò đường về huyện lỵ để thăm dò lực lượng ta. Tại đầu giồng Phong Phú (đoạn chùa Kinh Xáng ngày nay), chúng chạm mặt đơn vị địa phương quân Trà Vinh. Hai bên nổ súng, khiến chúng thụt trở lại Bắcsama và đơn vị địa phương quân Trà Vinh cũng rút lui vào sâu trong giồng Phong Thạnh.
Việc lực lượng ta không truy kích khiến bọn chỉ huy Tiểu đoàn Marocco phán đoán là bộ đội chủ lực đã rời trận địa, chỉ còn lại dân quân địa phương nên có phần chủ quan.
Tờ mờ sáng ngày 12/12/1949, địch lại cho trung đội trinh sát mở đường đi trước để toàn bộ đội hình hàng dọc của tiểu đoàn theo sau, giữ khoảng cách vài trăm thước. Trung đội trinh sát này lại cho 04 tên lính đi trước chừng trăm thước so với bọn còn lại Lúc này, bộ đội Tiểu đoàn 307 đã bí mật vào trận địa, bố trí dọc theo hai bên Tỉnh lộ 37, đoạn đầu giồng và cặp theo rạch Phong Phú, cắt ngang Tỉnh lộ nhưng bộ đội ta vẫn nằm im để 04 tên này từng bước dò dẫm qua khỏi trận địa. Khi toàn bộ Tiểu đoàn Marocco từ hướng Bắcsama lọt hết vào chân giồng, thì bộ phận “khóa đuôi” nhanh chóng vận động cắt ngang Tỉnh lộ vào nổ súng, như phát pháo lệnh cho toàn mặt trận. Nghe súng nổ, bộ phận “chặn đầu” từ triền rạch vận động lên cắt cầu đúc Phong Phú cùng lúc hai cánh quân từ hai bên lộ cũng nổ súng đánh “tạt sườn” vào đội hình địch. Bị bất ngờ, Tiểu đoàn Marocco vốn được xem là thiện chiến lâm vào thế lúng túng, không ổn định được đội hình chống trả nên bị Tiểu đoàn 307 đánh cho tan tác chỉ trong vòng khoảng 15 phút. Tiểu đoàn Marocco số 2 bị tiêu diệt gần hết, trong đó có tên thiếu tá Tiểu đoàn trưởng; bắt sống 97 tên, trong đó có 01 đại úy, 01 thiếu úy (Lịch sử Tiểu đoàn 307 (1948 - 1954). Phòng Tổng kết Lịch sử và Khoa học công công nghệ quân sự Quân khu 9 1994, tr 49)… Toàn bộ tù binh được đưa về chùa ấp Nhì để giáo dục, trước khi phóng thích theo chính sách nhân đạo của chính quyền kháng chiến.
Khoảng 9 giờ sáng 12/12/1949, địch cho một đại đội Commandos từ huyện lỵ Cầu Kè hành quân chi viện cho Tiểu đoàn Marocco nhưng vừa tới Châu Điền thì bị bộ đội ta đánh chặn, diệt tại chỗ 15 tên. Bọn còn lại hoảng sợ, tháo lui trở về huyện lỵ.
Được tin Tiểu đoàn Marocco đang lâm nguy, thực dân Pháp đưa thêm lực lượng từ Cần Thơ đổ bộ vào Ninh Thới, dùng xe lội nước chuyển quân lên giồng Phong Phú, định đánh từ phía sau lưng bộ đội ta. Thời điểm này, trận địa “đả viện” trên Tỉnh lộ 37 đã kết thúc thắng lợi, Bộ đội 307 thu quân về chung quanh chùa ấp Nhì nên khi nghe tin địch đổ bộ vào Ninh Thới đã nhanh chóng triển khai đội hình ra phía chân giồng khu vực Bến Lộ, dựa vào địa hình cây cối rậm rạp, bố trí trận địa chờ địch. Đến trưa 12/12/1949, địch dùng xe lội nước chuyển quân vào tới chân giồng thì bị bộ đội chủ động đánh trả, gây nhiều tổn thất. Cuối cùng, chúng buộc phải rút quân, chấp nhận thất bại.
Như vậy, chỉ trong vòng 05 ngày (08-12/12/1949), chiến dịch Cầu Kè diễn ra và kết thúc thắng lợi, các mục tiêu đề ra đều hoàn thành, vùng đất trù phú ven Sông Hậu từ Trà Ôn, Cầu Kè xuống Tiểu Cần, Trà Cú trở thành vùng tự do, khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn được củng cố và tăng cường; thực dân Pháp mất đi nguồn bổ sung quân số, lương thực quan trọng, khiến chúng càng gặp khó khăn hơn trong cuộc chiến xâm lược tại Nam bộ. Chiến dịch Cầu Kè là một chiến dịch quân sự, một chiến thắng quan trọng của Tiểu đoàn 307 và quân, dân huyện Cầu Kè, là một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của hai tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh, của cả Khu 8 và Nam Bộ.
(*) Tiểu đoàn Liên quân lưu động 307 thành lập tháng 5/1948 và liên tiếp lập nhiều chiến công. Kỷ niệm 01 năm thành lập, tháng 5/1949, nhà thơ Nguyễn Bính sáng tác bài thơ “Tiểu đoàn 307” và được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Trong đó có câu “đã chiến đấu một năm trường với bao thành tích huy hoàng/ trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với trận La Bang”. Vì vậy, chiến thắng Cầu Kè (12/1949) và các trận đánh về sau không xuất hiện trong bài hát truyền thống của Tiểu đoàn 307.