Người hùng thầm lặng 'vá lành' những 'vết thương' đường
Hình ảnh người đàn ông 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' cặm cụi vá những tuyến đường trên xã Tân Thành B đã dần trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.
Đã nhiều năm nay, hình ảnh anh Nguyễn Văn Khâm ngụ tại xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp ngồi cặm cụi vá những "vết thương" trên mặt đường đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Những “ổ gà”, “ổ voi” từng là nỗi ám ảnh của người dân địa phương giờ đây đã được “chữa lành” nhờ bàn tay tài hoa của anh.
Ngay từ sáng sớm, khi mọi người đều đang tất bật ra đường đi làm đã thấy anh ở đó và cho đến khi chiều tà làm về vẫn còn thấy anh ngồi miệt mài đầm đầm, gõ gõ mặc kệ nắng nôi, mặc kệ bụi đường, mặc kệ luôn người qua kẻ lại.
Bắt đầu từ những con đường gia đình mình hay đi lại, dần dần, anh Khâm mở rộng "phạm vi hoạt động" ra những tuyến đường chính như Gò Tre, bờ Đông kênh Sa Rài, bờ Tây kênh Tân Thành, Tỉnh lộ 843..., đều in dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh.
Dù hoàn cảnh kinh tế của anh cũng không mấy khá giả, với thu nhập bấp bênh từ nghề làm thuê “ai kêu gì làm nấy” không đủ nuôi sống cả gia đình, nhưng trong nhiều năm qua người ta vẫn thấy anh dành phần lớn thời gian và sức lực để vá đường, đôi khi phải ăn uống qua loa, thậm chí cả những ngày lễ Tết. Dù đôi tay chai sạn vì làm việc nặng nhọc, anh vẫn luôn nở nụ cười rạng rỡ mỗi khi hoàn thành một đoạn đường.
Có lẽ, cách làm của anh Khâm đến nay là “độc nhất vô nhị” trong cả nước. Ít ai nghĩ đến việc “vá” những con đường không gần khu nhà mình ở. Có chăng, mọi người chỉ đóng góp tiền của, cùng địa phương góp sức xây dựng cầu, đường, nâng cấp lộ nông thôn, hẻm phố… Còn anh Khâm, hễ thấy “ổ gà” nằm trong khả năng sức khỏe mình cho phép, anh đều “ra tay”. Bằng một quy trình ngược lại với thảm nhựa của ngành chuyên môn, anh nhẫn nại lấp đầy mặt đường bằng sự nhiệt huyết và tinh thần “mình vì mọi người”.
Sau giờ làm, anh thường dành thời gian đi khắp nơi để quan sát, tìm những đoạn đường cần sửa chữa. Những nguyên vật liệu được anh dùng để “vá đường” thường là do anh đi tìm kiếm khắp nơi. Cả buổi sáng, anh đi xin phế phẩm nhựa đường ở các công trình vừa hoàn thành. Nhựa đường đã khô cứng lại, anh dùng dao nạy lên, phủi sạch cỏ rác, cho vào túi xách chở về nhà.
Trước sân nhà, anh cặm cụi đập nhỏ chúng ra, trộn với dầu hỏa, tạo thành một hỗn hợp sền sệt. Sau đó, anh dùng những viên đá nhỏ để “nện” hỗn hợp này vào những ổ gà trên đường. Dầu lửa và độ nóng của ánh mặt trời sẽ làm tan chảy nhựa, sau đó giúp chúng kết dính với nhau. Xe hơi chạy qua sẽ làm chúng bị nén lại, chắc chắn hơn. Vài giờ sau, mặt đường sẽ được bằng phẳng hơn trước, không còn sợ xe vấp ổ gà nữa là những bí quyết được anh Khâm chia sẻ.
Dưới cái nắng gay gắt của miền Tây, cái bụi đường mù mịt, những vết chai sần trên đôi bàn tay... tất cả đều không làm anh nản lòng. Với anh Khâm, việc vá đường không đơn thuần chỉ là sửa chữa những hư hỏng mà còn là một cách để thể hiện tình yêu với quê hương. Mỗi ổ gà được lấp đầy là một niềm vui nho nhỏ của anh. Anh làm việc bằng cả tấm lòng, không quản ngại khó khăn, gian khổ chỉ mong sao những con đường quê sẽ trở nên bằng phẳng hơn, an toàn hơn cho người dân.
Cứ ai báo ở đâu có đường hỏng là anh Khâm sẽ có mặt, không thể lập tức nhưng cũng chẳng phải chờ lâu quá. Cứ theo tuần tự ai báo trước đến trước, ai báo sau thì chờ đôi ba ngày, dù nắng hay mưa anh cũng không nghỉ. Với anh, việc sửa chữa những đoạn đường xuống cấp không phải là một nghĩa vụ, mà là một niềm vui.
Dần dà, thấy việc làm của anh có ý nghĩa, người dân và mạnh thường quân ở địa phương đóng góp cát, đá, xi măng... để anh đi “chữa lành vết thương” cho những con đường. Họ yêu quý anh đến mức, chỉ cần thấy anh dừng xe bên đường, lập tức có người mang nước ra mời, có người dừng lại hỏi han. Tình cảm của họ dành cho anh như một lời cảm ơn chân thành, như một nguồn động viên lớn lao để anh tiếp tục công việc ý nghĩa của mình.
Ông Huỳnh Văn Sơn, một người dân địa phương, chia sẻ: “Hoàn cảnh kinh tế của gia đình anh Khâm vẫn còn nhiều khó khăn, nên anh rất chí thú làm ăn, đồng thời luôn thể hiện tinh thần tham gia công tác thiện nguyện, chia sẻ và giúp đỡ nhiều người bằng chính công sức của mình. Tôi tận mắt chứng kiến anh Khâm “dặm, vá” những nơi sụp, lún bề mặt các tuyến đường...”. Những lời chia sẻ chân thành ấy đã phần nào nói lên sự kính trọng và biết ơn của người dân dành cho anh Khăm.
Sau nhiều năm làm công tác thiện nguyện, anh Khâm đã vận động người dân trong và ngoài địa phương ủng hộ cát, đá, xi măng với tổng trị giá gần 200 triệu đồng nhằm thực hiện công việc “chữa lành vết thương” cho các tuyến đường giao thông bị sụp, lún, nhất là giao thông nông thôn trong và ngoài xã Tân Thành B với tổng chiều dài khoảng 100km.
Không chỉ vậy, anh còn truyền cảm hứng cho con trai mình, Nguyễn Quốc Khiêm (SN 2009) cùng tham gia vào công việc ý nghĩa này. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Quốc Khiêm đã rất tự hào khi được cùng cha “vá” đường. Cậu bé hồn nhiên chia sẻ: "Con phụ bưng cát, đá, xách nước, trộn hồ... Làm mệt mà con cảm thấy rất vui vì giúp đường láng, chạy xe êm hơn. Sau này, khi cha của con già yếu, con sẽ tiếp nối công việc sửa, vá đường". Lời nói ngây thơ của cậu bé đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Việc làm ý nghĩa của anh Khâm vừa qua đã được ghi nhận xứng đáng khi anh vinh dự nhận được Bằng khen của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những con đường quê sần sùi, gập ghềnh nay đã trở nên bằng phẳng, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.