75 năm kết thúc Thế chiến II (1945-2020): Dư âm và bài học
Dù đã khép lại được ba phần tư thế kỷ, song xung đột khốc liệt nhất lịch sử loài người và dư âm của nó vẫn còn đây, cùng nhiều bài học đong đầy giá trị.
Ngày 7/5/1945, Tướng Đức Alfred Jodl (giữa) đã ký thỏa thuần đầu hàng của toàn bộ lực lượng Đức tại Rheims, Pháp. (Nguồn: AP)
Năm 1945 chứng kiến sự tan rã của chủ nghĩa phát xít: Người Đức đặt bút ký vào bản hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, người Nhật trao quyền điều chỉnh Hiến pháp cho tướng Douglas MacArthur, còn chế độ độc tài tại Italy kết thúc bằng cái chết của Mussolini. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Khi một cánh cửa khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra” – sự chấm dứt của Thế chiến II đã mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nhân loại.
Tuy nhiên, đối với Nga và Nhật Bản, Thế chiến II chưa thực sự chấm dứt, khi hai bên đã trì hoãn việc ký kết hiệp định hòa bình do tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo Kuril, bao gồm bốn đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai. Các thỏa thuận gần đây nhất, bao gồm cả việc cùng nhau khai thác lợi ích kinh tế trên những đảo này đều chưa mang lại kết quả cuối cùng.
Trong khi đó, quá khứ đau thương giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản trong Thế chiến II vẫn chưa thể được gác lại. Những tranh cãi xung quanh đền bù cho tội ác chiến tranh của quân đội đế quốc Nhật Bản trong giai đoạn chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên như phụ nữ mua vui tiếp tục là rào cản lớn. Xung đột quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima, cũng như căng thẳng thương mại càng khiến hai quốc gia láng giềng luôn ở trạng thái “rất gần, rất xa”.
Thế chiến II còn để lại rất nhiều bài học cho hậu thế, song cái giá của nó là không hề rẻ: 70 – 85 triệu người, tương đương với 3% dân số ở thời điểm bấy giờ, đã vĩnh viễn chẳng thể nhìn thấy ánh mặt trời một lần nữa.
Thứ nhất, các cường quốc đã học cách kiềm chế và tìm kiếm, tối đa hóa lợi ích mà không phải sử dụng vũ lực. Kể từ Thế chiến II tới nay, cộng đồng quốc tế không phải chứng kiến thêm bất kỳ cuộc xung đột cục bộ nào giữa các cường quốc. Ai cũng hiểu rằng chiến tranh không có kẻ thắng, chỉ có người mất ít và kẻ thiệt nhiều.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chiến tranh đã lùi xa. Khái niệm “Hòa bình kéo dài” hay “Hòa bình Mỹ” không áp dụng cho nhiều cuộc nội chiến kéo dài, vô vàn xung đột ủy nhiệm hay đụng độ quân sự dù ngắn nhưng ác liệt giữa các nước. Đáng ngại hơn, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gay gắt và lấn át mặt hợp tác, xung đột về mặt lợi ích hoàn toàn có thể đẩy thế giới chìm vào trong sự hỗn loạn một lần nữa.
Đài tưởng niệm Thế chiến II tại Washington DC, Mỹ.
Thứ hai, giai đoạn hậu chiến chứng kiến sự trỗi dậy và vai trò trụ cột của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tái thiết thế giới thời hậu chiến. Thêm vào đó, sự hình thành, phát triển của các tổ chức khu vực hậu Thế chiến II như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Liên minh châu Phi (AU) là cần thiết nhằm tăng cường tiếng nói của các nước vừa và nhỏ, đẩy mạnh hợp tác, giảm thiểu xung đột về lợi ích thông qua biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, điểm yếu của những tổ chức này là sự phụ thuộc vào hợp tác quốc tế giữa các quốc gia và vai trò dẫn dắt, đóng góp và xây dựng của các cường quốc, hai yếu tố đang ngày cảng trở nên “khan hiếm” trong giai đoạn gần đây. 75 năm sau Thế chiến II, chủ nghĩa đa phương tiếp tục là xu thế lớn của thời đại, song đang gặp phải lực cản đáng kể từ chủ nghĩa đơn phương do một số quốc gia khởi xướng và dẫn dắt.
Lịch sử có xu hướng lặp lại chính nó. Một lần nữa, cộng đồng quốc tế đứng trước một kẻ thù chung, virus SARS-CoV-2. Đoàn kết là sức mạnh, nhưng làm sao để tìm kiếm sự hợp tác, kết dính đó giữa một thế giới nhiều chia rẽ, lắm rạn nứt, vô vàn bất đồng chính trị, xung đột về mặt lợi ích là bài toán không hề đơn giản dành cho tất cả các quốc gia.
Câu trả lời đúng có thể giúp loài người vượt qua kẻ thù chung; câu trả lời sai có thể mang đến đáp án tương tự, nhưng với cái giá lớn ngang ngửa, thậm chí vượt quá những gì thế giới từng trải qua ba phần tư thập kỷ trước. Để rồi 75 năm sau, hậu thế sẽ một lần nữa lấy đại dịch Covid-19 làm cột mốc, suy ngẫm về những bài học xương máu mà ông cha họ để lại ở thời đại hậu SARS-CoV-2.
Do đó, nhìn về quá khứ, ngẫm về hiện tại để hướng đến tương lai nhân dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến II ít nhiều sẽ giúp loài người tìm kiếm câu trả lời còn thiếu để đối phó với kẻ thù chung mang tên SARS-CoV-2.