75 năm NATO và tương lai Ukraine gia nhập khối
Ngày 9/7, các nhà lãnh đạo NATO tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington, Mỹ. Hội nghị diễn ra khi NATO kỷ niệm 75 năm thành lập, trong bối cảnh khối đối mặt với hàng loạt thách thức.
Hội nghị diễn ra từ ngày 9/7 đến 11/7. Ngoài đại diện của các nước thành viên, ngoại trưởng của 35 quốc gia được coi là đối tác của NATO cũng được mời tham dự hội nghị lần này. Sự có mặt của các nhà lãnh đạo IP4 (Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc) tại hội nghị cũng là động thái thể hiện sự đoàn kết ngoại giao, cho thấy NATO đang liên kết với các đồng minh và đối tác Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Hội nghị tập trung vào 3 chủ đề chính. Đầu tiên là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh, vốn được coi là nhiệm vụ cốt lõi của NATO. Thứ hai là hỗ trợ Ukraine - chương trình nghị sự “khẩn cấp nhất”. Thứ ba là tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh có thể là sự thay đổi chiến lược mạnh mẽ nhất của khối này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Kể từ năm 2014, ưu tiên chính của NATO là tăng cường phòng thủ và răn đe để ứng phó, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022.
Hơn 2 năm qua, NATO đã tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường phòng thủ và xây dựng lực lượng thường trực, hiện đại hóa các cấp chỉ huy và khả năng kiểm soát, chuyển đổi hoạt động phòng thủ tập thể và kết nạp thành công các đồng minh mới gồm Phần Lan và Thụy Điển, đưa NATO đến gần nước Nga hơn. Tuy nhiên, mục tiêu của NATO dường như không dừng lại ở đó.
Ông Ian Brzezinski, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo có quan điểm xuyên Đại Tây Dương. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng độ tin cậy của liên minh, độ tin cậy của khả năng răn đe và tư thế phòng thủ của liên minh này vẫn vững chắc trong 75 năm tới như 75 năm qua hay không”.
Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của Hungary, Hội nghị Thượng đỉnh lần này nhiều khả năng lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ thông qua cam kết tiếp tục duy trì mức hỗ trợ quân sự cho Ukraine như những năm qua kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2/2022, tức là tương đương khoảng 40 tỷ euro/năm. Mặt khác các bên cũng sẽ công bố kế hoạch “cầu nối tới tư cách thành viên” dành cho Ukraine, đồng thời đưa ra các bước nhằm tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng sẽ hợp tác cùng nhau để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine và tăng cường hợp tác về đổi mới, chúng tôi đang cùng nhau làm việc để làm cho Ukraine mạnh mẽ hơn, có khả năng tương tác tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết để gia nhập liên minh của chúng tôi”.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho biết, không ai có thể đảm bảo Ukraine sẽ gia nhập NATO trong vòng một thập kỷ tới và thêm rằng tư cách thành viên của nước này còn phụ thuộc vào việc họ có giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không.
"Không thể nói chính xác là 10 năm nhưng rõ ràng việc kết nạp Ukraine vào NATO là một vấn đề rất nghiêm túc. Tuy nhiên, Ukraine hiện là một quốc gia đang có chiến sự"- ông Stoltenberg nói khi trả lời báo chí.
Trước đó, năm 2008, các thành viên NATO lần đầu tiên nhất trí Ukraine sẽ gia nhập khối nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Sau năm 2014, Ukraine hoàn toàn cam kết với mục tiêu trở thành thành viên. Tới mùa thu năm 2022, nước này chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, các quan chức NATO nhiều lần cho rằng tư cách thành viên của Ukraine không được chấp nhận khi nước này đang xung đột với Nga do lo ngại leo thang.
Moscow coi NATO mở rộng về phía biên giới của mình là mối đe dọa hiện hữu. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng ý định gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột và sự trung lập của Kiev là điều kiện tiên quyết cho hòa bình bền vững với nước láng giềng.