'75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng'
Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2020), ngày 24-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học: '75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng'.
Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2020), ngày 24-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học: “75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao; những nhà ngoại giao tiền bối, nhân chứng lịch sử và cũng là những người đã trực tiếp tham gia đóng góp vào những mốc son của ngành ngoại giao Việt Nam; các chuyên gia, diễn giả uy tín; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2020), Hội thảo nhằm đánh giá một cách khách quan, khoa học những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục tổng kết bài học kinh nghiệm suốt 75 năm qua và xây dựng định hướng cho sự phát triển của ngành ngoại giao trong bối cảnh chiến lược mới của đất nước. Sự kiện cũng là dịp để tri ân các thế hệ cán bộ tiền bối, kết nối các thế hệ ngoại giao, giáo dục cho thế hệ hiện tại truyền thống vẻ vang của ngành trong suốt 75 năm qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, cách đây 75 năm, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại đã ra đời. Từ đó, ngành ngoại giao luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và có những bước trưởng thành vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, mở rộng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất với các nước, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển, an ninh của đất nước, tạo sự đan xen, gắn kết giữa lợi ích Việt Nam với các nước.
Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như CPTPP, EVFTA…), qua đó tạo ra động lực mới cho phát triển.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, những thành tựu của ngành ngoại giao là điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước, đồng thời cho thấy tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và các chủ trương đối ngoại của Đảng mà trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan tham mưu nòng cốt.
Trong những năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2020, với tác động của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến hết sức nhanh chóng, sâu sắc và khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là nguyện vọng của các dân tộc trên thế giới, song thế giới và khu vực đang gặp nhiều thách thức hơn.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, củng cố vững chắc môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao cho công tác đối ngoại. Đối ngoại ngày càng đóng vai trò tiên phong trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Cùng với quốc phòng và an ninh, đối ngoại cũng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên với sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Qua đó, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mong muốn các đại biểu, diễn giả có mặt tại Hội thảo sẽ đóng góp ý kiến đánh giá và kiến nghị thẳng thắn, khách quan, khoa học để ngành ngoại giao tiếp tục triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại.
Hội thảo có hai phiên thảo luận: phiên 1 - 75 năm ngoại giao Việt Nam góp phần giành độc lập dân tộc, thống nhất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới đất nước; phiên 2 - Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao, củng cố môi trường hòa bình và phát triển trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu, diễn giả tập trung thảo luận các nội dung chính như một số bài học quý giá về đối ngoại; xác định những nhân tố bất biến, khả biến và vai trò các nước lớn tác động đến đối ngoại Việt Nam trong 75 năm qua; quá trình đổi mới tư duy trong đường lối, chính sách và triển khai công tác đối ngoại; bản sắc ngoại giao của Việt Nam...
Nội dung chính của phiên thảo luận chiều cùng ngày là bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra trong quan hệ quốc tế thời đại số; vai trò tiên phong của đối ngoại trong thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng; các nội hàm của nền ngoại giao hiện đại, các vấn đề xây dựng bộ máy, xây dựng ngành; nhiệm vụ mới trong kỷ nguyên số và hội nhập...