75 năm thi đua ái quốc: Dòng chảy của khát vọng xây dựng đất nước
Phong trào thi đua yêu nước đã phát triển theo một dòng chảy liên tục suốt 75 năm qua, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu to lớn của cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước.
"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất" - Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một tiếng cồng hiệu triệu toàn dân tích cực diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, trải qua những chặng đường nối tiếp với những hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển theo một dòng chảy liên tục suốt 75 năm qua, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu to lớn của cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước.
Nhân kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về thi đua ái quốc trong đời sống hôm nay.
Lời hiệu triệu sức mạnh nhân dân
- Thưa Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, xin ông cho biết bối cảnh lịch sử dẫn tới ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Cách đây 75 năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt. Vận mệnh đất nước đang ở tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi. Nhiệm vụ cấp bách của cách mạng lúc này là xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.
Việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi tất cả các tầng lớp trong xã hội tham gia vào các hoạt động cách mạng và chiến đấu chống lại thực dân Pháp. "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" được xem như lời hiệu triệu đối với nhân dân cả nước, là một thông điệp quan trọng động viên tinh thần và tập hợp sức mạnh của nhân dân ta trong cuộc chiến chống lại thực dân Pháp.
- Cách đây 75 năm, lời kêu gọi của Bác đã lan tỏa tinh thần thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Ngày nay, hoàn cảnh đất nước đã khác nhiều. Vậy xin ông cho biết những thông điệp, nội dung nào trong "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" vẫn còn giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Dù đã 75 năm trôi qua nhưng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, bởi thông điệp này nhấn mạnh tinh thần ái quốc và đoàn kết toàn dân. Tinh thần này vẫn rất quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, đoàn kết trong xã hội và tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, gần đây nhất là dịch bệnh COVID-19, chúng ta có thể nhận ra chân lý rằng sức mạnh của tinh thần yêu nước có thể giúp mọi người vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù. Đó là một bài học vô giá từ "Lời kêu gọi thi đua ái quốc."
Ngoài ra, nội dung lời kêu gọi thực sự khuyến khích toàn dân thi đua vì lợi ích chung của cả xã hội, cổ vũ mọi người nâng cao trình độ, khao khát vươn lên, không ngừng học hỏi và phát triển bản thân, thể hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội, phù hợp với khát vọng xây dựng đất nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Ở phương diện văn hóa, tôi cho rằng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống đặc sắc của dân tộc, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, đoàn kết và đa dạng, từ đó tạo ra sức mạnh đất nước từ sức mạnh văn hóa, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, tạo ra sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Không để tiêu cực nảy nở
- Thưa ông, dư luận xã hội lâu nay vẫn lên án tình trạng thi đua vì "bệnh thành tích," thi đua dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh… Ông có suy nghĩ như thế nào về hiệu quả của các phong trào thi đua ngày nay?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Mới đây, tôi được tham dự khai mạc triển lãm "Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc" tại Thư viện Quốc gia. Tôi thực sự xúc động trước những hình ảnh về phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ, với những tấm gương anh hùng trong lao động và chiến đấu như Trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sỹ Ngô Gia Khảm, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch... Đó là những người truyền cảm hứng cho nhân dân, tạo niềm tin đối với Đảng và sự nghiệp xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Điều đó chứng tỏ rằng các phong trào thi đua yêu nước đã đi vào thực chất, trở thành hành động tự thân, xuất phát từ trái tim và nhiệt huyết yêu nước của mỗi người.
Thế hệ trước là như vậy, còn giờ đây, thật buồn khi chứng kiến nhiều hiện tượng thi đua chạy theo thành tích, có những trường hợp được trao danh hiệu, bằng khen nhưng sau đó lại vi phạm pháp luật.
Tôi cho rằng nguyên nhân có lẽ là do một số phong trào thi đua đã đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu. Thay vì tập trung vào sự phát triển bền vững, tiến bộ và lợi ích chung, hoạt động thi đua bị biến tướng thành một cuộc chạy đua để đạt được thành tích cá nhân hoặc tập thể. Điều này dẫn đến bệnh hình thức và thiếu trung thực.
Ngoài ra, hiệu quả của phong trào thi đua còn phụ thuộc vào cách triển khai và quản lý. Nếu được tổ chức một cách cẩn thận và minh bạch, với các quy định rõ ràng và giám sát hợp lý, phong trào thi đua có thể thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện đúng cách, thi đua có thể gây ra cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho những điều tiêu cực khác nảy nở. Đó là vấn đề cần phải khắc phục trong thời gian sắp tới.
"Nếu không được thực hiện đúng cách, thi đua có thể gây ra cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho những điều tiêu cực khác nảy nở.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn
- Nhìn vào mặt tích cực, ông có thể kể tên một số phong trào thi đua đã đạt nhiều thành quả và thu hút sự tham gia của toàn xã hội?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Các phong trào thi đua do Chính phủ phát động như "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới," "Cả nước chung tay vì người nghèo" đã có những thành công và ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội.
Qua việc xây dựng nông thôn thôn mới, đời sống người dân và an sinh xã hội ở nhiều vùng nông thôn đã có sự chuyển biến đáng kể, tạo ra cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững, thực hiện đúng chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình phát triển đất nước.
Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo" đã tạo ra sự quan tâm và động viên đối với các vùng miền khó khăn. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách về bảo hiểm y tế, giáo dục, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo và các chương trình giảm nghèo. Truyền thông và các tổ chức xã hội cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức cộng đồng và gây quỹ hỗ trợ cho người nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ người nghèo đã giảm một cách đáng kể trong những năm qua, nhiều hộ gia đình nghèo đã có điều kiện sống tốt hơn. Đặc biệt, phong trào đã lôi kéo được các tổ chức xã hội và cộng đồng chung tay gây quỹ và hỗ trợ người nghèo, tạo ra một tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong xã hội.
Cần chỉ tiêu rõ ràng để thi đua trúng đích
- Văn hóa là nền tảng của một quốc gia và thi đua đã góp phần quan trọng để phát huy sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến," ngành văn hóa đã làm được những gì và còn hạn chế gì, thưa ông?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của ngành văn hóa trong nữa nhiệm kỳ vừa qua. Rõ ràng, sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân đến văn hóa xuất phát từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành văn hóa.
Đáng chú ý nhất là việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn, phát huy giá trị và tôn vinh cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày càng có nhiều khởi sắc, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các ngành công nghiệp văn hóa được tập trung phát triển và có những thành tựu nhất định với các sản phẩm, sự kiện nghệ thuật có chất lượng, trở thành thương hiệu cho các địa phương như các lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, Monsoon; Festival Huế; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng...
Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII diễn ra ngày 17/5/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả rõ rệt, đúng tinh thần: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi." Đây là đánh giá khái quát nhưng rõ nhất về những thành tựu vừa qua của ngành.
Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn nhiều điểm nghẽn liên quan đến phát triển văn hóa, đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, bao gồm những hạn chế từ rào cản của cơ chế, chính sách, thiếu nguồn lực cả về con người, tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, cũng như chất lượng, giá trị của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chưa cao, chưa thể cạnh tranh với các sản phẩm của các quốc gia khác. Đặc biệt, những vấn đề văn hóa đến từ không gian mạng cũng cần có những cách thức xử lý phù hợp để tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
"Những vấn đề văn hóa đến từ không gian mạng cũng cần có những cách thức xử lý phù hợp để tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn
- Theo ông, có những biện pháp nào để thực hiện thi đua hiệu quả, lan tỏa ý nghĩa và sự tham gia của xã hội, đặc biệt là thi đua trong ngành văn hóa?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Thi đua có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi cán bộ công chức, viên chức và mọi người dân. Tôi thực sự mong phong trào thi đua trong ngành văn hóa sẽ tạo điều kiện cho ngành có được sự bứt phá trong phát triển văn hóa giai đoạn sắp tới.
Để làm được điều đó, tôi cho rằng cần tập trung vào mấy vấn đề sau: Thứ nhất là cần đặt ra mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, đo lường được để theo dõi và đánh giá quá trình và kết quả. Mục tiêu sẽ phản ánh các giá trị văn hóa và mục đích phát triển của ngành, còn chỉ tiêu cần được thiết lập để đo lường được hiệu quả, tạo động lực và định hướng cho các hoạt động thi đua.
Thứ hai, để huy động sự tham gia của toàn ngành văn hóa và cả xã hội, cần tạo ra động lực và khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia vào các hoạt động thi đua văn hóa. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tạo ra những lợi ích và khen thưởng hợp lý, tôn trọng và công nhận những đóng góp và thành tích của cá nhân và tổ chức, và tạo ra một môi trường thuận lợi để mọi người có thể thể hiện và phát triển tài năng và ý tưởng của mình.
Thứ ba là tăng cường truyền thông và giáo dục để lan tỏa ý nghĩa và giá trị của các hoạt động thi đua.
Thứ tư, thi đua trong ngành văn hóa cần tạo ra một tinh thần đoàn kết và sự hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức và địa phương. Như vậy, cần xây dựng cộng đồng văn hóa, tạo ra các câu lạc bộ và tổ chức tương tác để thúc đẩy sự giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cần tạo ra mối quan hệ hợp tác đối tác với các đơn vị và tổ chức trong và ngoài ngành văn hóa để tận dụng các nguồn lực có sẵn.
Thứ năm, lãnh đạo ngành nên khuyến khích sự sáng tạo, tư duy đột phá và thử nghiệm những ý tưởng mới trong việc tổ chức các hoạt động thi đua. Sự đổi mới và sáng tạo giúp tạo ra những trải nghiệm mới, thu hút sự quan tâm và tham gia của công chúng.
Tôi tin tưởng rằng, qua các giải pháp này, chúng ta có thể thực hiện thi đua hiệu quả, lan tỏa ý nghĩa và sự tham gia của xã hội trong ngành văn hóa, góp phần vào sự phát triển văn hóa của đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Thu (Vietnam+)
Nguồn: vietnamplus.vn