'Hộp ký ức 4.0' giúp khơi lại ký ức lịch sử của đất nước
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Hộp ký ức 4.0' để cùng các chuyên gia, nhà sử học trao đổi, bày tỏ quan điểm cá nhân của mỗi người để gợi lại nguồn ký ức lịch sử.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết, nhiều năm qua, Trung tâm lưu trữ quốc gia I đã phát huy sứ mệnh của mình, tổ chức những hoạt động để chia sẻ đến cộng đồng những tư liệu lưu trữ, qua đó, phần nào cũng đã đáp ứng được những mong muốn, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam của công chúng.
Tuy nhiên, trong thời đại số hiện nay, mỗi chúng ta đều có những ký ức riêng, mang năng lực tích cực, vậy nên những ký ức đó cần phải được chia sẻ trong cộng đồng, phải được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác để giá trị lưu trữ còn mãi, tiếp diễn những dòng lịch sử của đất nước.
"Sự kiện diễn ra với mục đích kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và ký ức cá nhân trong dòng chảy lịch sử. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi cá nhân chia sẻ, bàn luận về "chiếc hộp" của riêng mình như một phép ẩn dụ trong việc lưu giữ ký ức về lịch sử, văn hóa và con người. Qua đó, công chúng dần tiếp cận tới mối liên hệ giữa ký ức tập thể, bối cảnh, hình ảnh con người Việt Nam qua những thời kỳ lịch sử, từ đó kết nối - chia sẻ giữa quá khứ với hiện tại và tương lai" - bà Trần Thị Mai Hương nói thêm.
Tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: "Thời kỳ Pháp thuộc là một thời kỳ có nhiều biến động của dân tộc nhưng cũng phải thừa nhận rằng, công nghệ mà nền văn minh phương Tây mang tới, đặc biệt trong đó là nhiếp ảnh, đã giúp chúng ta có cơ hội lưu trữ những trang sử hào hùng. Thông qua những bức ảnh, chúng ta có thể biết và hiểu được câu chuyện, cảm xúc, hoàn cảnh khi đó. Không những thế còn có thể sao chép ra hàng trăm nghìn bản, lan tỏa để cộng đồng cùng cảm nhận".
"Chia sẻ là cách bảo tồn tốt nhất những ký ức quý báu. Bởi, nếu một bức ảnh, một ký ức đáng nhớ chỉ được cá nhân lưu giữ một cách kín đáo cho riêng mình và không được chia sẻ với cộng đồng, thì giá trị của những ký ức đó sẽ không bền vững, không lâu dài và có thể chỉ một rủi ro nhỏ xảy ra, nó sẽ biến mất" - ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Cũng tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng giới thiệu và chia sẻ tới độc giả các cuốn sách, tài liệu ảnh về những thời kỳ lịch sử của đất nước từ nhiều tác giả là các nhiếp ảnh gia ở Việt Nam và nước ngoài. Theo ông Quốc, khi những khoảnh khắc động được "tĩnh" lại dưới ống kính, đó là cách lưu trữ hiệu quả nhất, gần nhất với sự thật.
Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự hiện diện của nhiếp ảnh gia người Anh, Andy Soloman - chủ nhân của triển lãm "Hà Nội: một thời để nhớ" được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024) vừa qua.
Ông Andy Soloman chia sẻ, khi đến Hà Nội năm 1992, không khí và sự tiếp đón nồng nhiệt từ con người Hà Thành đã khiến ông muốn ở lại và xây dựng một cuộc sống tại thành phố này, cũng như sử dụng chiếc máy ảnh của mình để ghi lại những khoảnh khắc đáng quý về Thủ đô của một thời chiến tranh đi qua. Thông qua những tư liệu hình ảnh đó mà nhiều người nước ngoài và thế hệ trẻ có thể hình dung được sự thay đổi ngoạn mục của Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua.
Xuyên suốt tọa đàm, các chuyên gia, nhà sử học đã chia sẻ quan điểm về "Hộp ký ức 4.0" để mọi người cùng hiểu và nắm rõ hơn về ý nghĩa. Có thể khẳng định rằng, trong kỷ nguyên số bùng nổ, việc ký ức cá nhân góp phần quan trọng trong việc tiếp nối mạch sử, trở thành "chất keo" trong quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp...