75 năm, ước vọng của Bác và cơ đồ đất nước
Mùa thu này là tròn 75 năm, đất nước Việt Nam, như lời Hồ Chủ tịch trong bản Tuyên ngôn độc lập: 'Sự thật đã thành một nước tự do độc lập'.
Hơn 7 thập kỷ ấy, thật tự hào, mỗi người dân Việt đã không ngừng nỗ lực để biến ước vọng năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” thành hiện thực, để rồi ngày hôm nay, có thể khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”.
1. 75 năm trước, sáng 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, trước hơn 50 vạn người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với nhân dân Việt Nam và toàn thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn lịch sử ấy đã kết lại bằng một “thông điệp”: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Phải thấu hiểu được tình cảnh thống khổ của một nước Việt Nam, bao nhiêu năm tháng phải cam chịu là một xứ thuộc địa, chịu muôn vàn cơ cực dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến tay sai, hai tiếng độc lập - tự do đã trở thành nỗi khát khao cháy bỏng của cả dân tộc, mới thấu hiểu trọn vẹn được niềm vui sướng vỡ òa của việc “sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” ấy.
Sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân, Phát xít, từ thời khắc ấy, người Việt Nam đã có thể ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước độc lập, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng là Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nhưng, có được nền độc lập đã khó, bảo vệ gìn giữ được nền độc lập ấy còn khó khăn, gian nan bội phần. Chính quyền cách mạng non trẻ vừa khai sinh, đã phải đối mặt ngay với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đất nước thù trong giặc ngoài, ngân khố quốc gia cạn kiệt, 90% dân mù chữ, hàng triệu người chết đói… Vừa loại bỏ được quân Tưởng, lại phải đối mặt với những “tối hậu thư” đầy thách thức từ thực dân Pháp. Hiệp định Geneva còn chưa ráo mực, dân tộc Việt Nam lại phải đối phó với kẻ thù mới - đế quốc Mỹ - có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn nhất thế giới và có chiến lược thực dân kiểu mới thâm độc hơn rất nhiều. Cuộc kháng chiến 30 năm vừa kết thúc thì Việt Nam lại phải đối phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc.
Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, hành trình vệ quốc tưởng chừng kéo dài gian khổ đến bất tận… nhưng thật kỳ diệu, từ Bản Tuyên ngôn độc lập năm nào, tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền tự do, độc lập ấy” đã thấm vào huyết quản hết thảy những người dân Việt, mang đến cho họ sức mạnh để chiến thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác, để rồi bảo toàn được trọn vẹn nền độc lập cho đất nước mình.
Ước vọng về một nền độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ thực sự cho dân tộc Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực.
2. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa của dân tộc, ước vọng về một nền độc lập tự do là tiền đề cho một ước vọng lớn lao khác của Người: xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Ước vọng ấy đã được Người chuyển tải một cách nhất quán và liên tục vào hàng loạt bài viết, bài nói cũng như những văn bản quan trọng nhất của Người.
Ngay trong bản di chúc đầu tiên (5/1965), Người đã nhấn mạnh quan điểm này: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Một năm sau đó, ngày 17/7/1966, đúng vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, trong lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đọc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Hai năm sau đó, năm 1968, trong bản Di chúc của mình, ước vọng ấy lại một lần nữa được Người thể hiện rất rõ: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”, dù Người biết rằng “đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”.
Không chỉ là ước muốn, Người đã đề ra “kế hoạch hậu chiến” toàn diện để xây dựng đất nước, bao gồm cả việc “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”, “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”, “phát triển công tác vệ sinh, y tế”, “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”.
3. Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay. Đất nước hòa bình thống nhất, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Quy mô dân số tăng từ hơn 22 triệu người vào năm 1945 sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đã tăng lên gần 48 triệu người vào năm 1975 sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, hơn 61 triệu người vào năm 1986 khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới và hiện nay là khoảng 96 triệu người. Việt Nam không còn là một nước nhược tiểu, mà đã vươn lên phát triển không ngừng, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế.
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ vài chục USD lên khoảng 2.800 USD/người/năm. Kinh tế bây giờ tuy chưa phải là “đã có của ăn của để”, nhưng chí ít không bị đói, đời sống nhân dân khác xưa nhiều lắm, các vùng miền trong cả nước nay đã đổi thay, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng… Những thành tựu đó càng khích lệ ý chí dân tộc vươn lên mạnh mẽ hơn nữa; bạn bè quốc tế khâm phục, ngưỡng mộ và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam - nhận định ấy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chính là lời khẳng định rằng ước vọng cháy bỏng năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh nay đã phần nào trở thành hiện thực. Việt Nam từ một đất nước lạc hậu và kém phát triển trở thành một trong những nền kinh tế năng động và hấp dẫn nhất tại châu Á. Việt Nam còn được biết tới với vai trò bạn bè và đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong đó nổi bật là việc Việt Nam được bầu làm Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ niên khóa 2020 – 2021, Chủ tịch ASEAN 2020.
Từ xuất phát điểm khiêm tốn, vượt qua bao gian khó, bao thách thức thời cuộc, những gì đất nước chúng ta đã đạt được, thật đáng tự hào. Nhưng, như nhắc nhở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Trong công cuộc phát triển đất nước, nhiều vấn đề mới phát sinh phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết; tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, không được say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Cùng chung góc nhìn ấy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nhấn mạnh: Chúng ta phải có tầm nhìn rộng mở, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Tầm nhìn đó là gì nếu không phải là sự nhìn xa, trông rộng để biết mình là ai, mình đang chuyển động thế nào trong một thế giới không ngừng thay đổi. Có được tầm nhìn đúng đồng nghĩa với việc không tự ru ngủ mình, không bằng lòng với thành công hôm qua, thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Có được tầm nhìn đúng thì sẽ có được những dự báo đúng, phân tích đúng để ứng phó linh hoạt và khôn ngoan, phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - yếu tố cốt lõi từng làm nên những thắng lợi quan trọng của đất nước trong những giai đoạn lịch sử cam go.
Có tầm nhìn rộng mở, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ; không chủ quan, không tự mãn, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế… tâm thế ấy, chắc chắn sẽ là hành trang đắc dụng của dân tộc Việt Nam, trên hành trình tiếp tục hiện thực hóa ước vọng năm xưa của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh: Dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/75-nam-uoc-vong-cua-bac-va-co-do-dat-nuoc-post93087.html