Cuộc đua sát nút hay sự thao túng của các nhà thăm dò?
Kết quả khảo sát liên tục cho thấy cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đang bám đuổi sát nút. Song một số chuyên gia cho rằng kết quả này không phản ánh chính xác tâm lý cử tri.
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ bước vào tuần cuối cùng với các cuộc thăm dò cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris gần như ở thế cân bằng, với rất ít manh mối về việc ai sẽ giành chiến thắng.
Một tuần hỗn loạn của ông Trump, bắt đầu với sự kiện mang tính phân biệt chủng tộc ở Madison Square Garden (New York), xen kẽ những lời ủng hộ từ người nổi tiếng, những phát ngôn phân biệt giới tính và những lời lăng mạ qua lại, đã kết thúc. Công cụ theo dõi của tờ Guardian cho thấy kết quả thăm dò ít có thay đổi so với 7 ngày trước, khi sự trung thành của cử tri đối với ứng viên họ đã chọn hầu như không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trong chiến dịch, dù có lớn đến đâu.
Trên toàn quốc, bà Harris, ứng viên đảng Dân chủ, đang dẫn trước 1 điểm, với tỷ lệ 48% so với 47% của đối thủ đảng Cộng hòa, gần như giống hệt tuần trước. Điều đáng chú ý là sự chênh lệch này nằm trong biên độ sai số của hầu hết cuộc thăm dò.
Thế cân bằng
Ở các bang chiến địa, cả hai ứng viên cũng đang trong thế cân bằng. Cả hai đều đạt 48% tại Pennsylvania - thường được coi là bang chiến địa quan trọng nhất vì có số phiếu đại cử tri cao nhất (19).
Bà Harris dẫn trước một điểm ở hai bang thuộc “bức tường xanh”, Michigan và Wisconsin, trong khi ông Trump nhỉnh hơn ở vùng “vành đai Mặt trời”: Hơn 1% ở North Carolina và 2% ở Georgia và Arizona. Tại Nevada, lợi thế trung bình của ông Trump trong các cuộc thăm dò là dưới một điểm phần trăm.
Các cuộc thăm dò gần đây diễn ra trong bối cảnh mức độ bỏ phiếu sớm ở nhiều bang đạt mức cao chưa từng thấy, với khoảng 65 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu tính đến 1/11.
Song việc dự đoán kết quả dựa trên bỏ phiếu sớm rất khó. Theo báo cáo của Politico, khoảng 58% cử tri bỏ phiếu sớm ở Pennsylvania từ 65 tuổi trở lên là người đăng ký đảng Dân chủ, và 35% là người đăng ký đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, cả hai đảng có số lượng cử tri đăng ký gần như bằng nhau trong bang ở nhóm tuổi cao niên. Khoảng 53% nhóm cử tri này đã bỏ phiếu cho ông Trump ở Pennsylvania năm 2020, dù ông đã thua tại bang này trước Tổng thống Joe Biden.
Ngược lại với 4 năm trước, ông Trump đã khuyến khích những người ủng hộ bỏ phiếu sớm. Việc các cử tri Dân chủ bỏ phiếu sớm với số lượng lớn có thể là một chỉ dấu tích cực cho họ tại những bang nơi các nhà bình luận dự đoán tỷ lệ bỏ phiếu sẽ là yếu tố quan trọng. Các chiến lược gia Dân chủ cho rằng họ có lợi thế từ 10-20% về tỷ lệ cử tri cao niên bỏ phiếu tại 3 bang “bức tường xanh”.
Tuy nhiên, trong một bối cảnh chính trị phân cực với các lời đe dọa trả thù từ ông Trump, những cáo buộc về chủ nghĩa phát xít và phân biệt chủng tộc từ bà Harris, và các cảnh báo rằng bản thân nền dân chủ đang gặp nguy hiểm, bức tranh toàn cảnh - với sự đồng nhất kéo dài - khiến các quan sát viên dày dạn phải ngạc nhiên.
Dè chừng
Sáng 1/11, công cụ mô phỏng của trang phân tích thăm dò FiveThirtyEight - dựa trên dữ liệu quốc gia và bang - dự báo ông Trump sẽ thắng 53 lần trên 100, so với 47 lần của bà Harris, kết quả tương tự một tuần trước.
Trong một tia hy vọng tích cực cho bà Harris vào cuối chiến dịch, một cuộc thăm dò của Marist hôm 1/11 cho thấy phó tổng thống có thể phá vỡ sự cân bằng: Bà Harris dẫn trước ông Trump 3% ở Michigan và Wisconsin, 2% ở Pennsylvania.
Chiến thắng ở cả 3 bang này có thể là con đường rõ ràng nhất để ứng viên đảng Dân chủ đạt 270 phiếu đại cử tri cần thiết và đánh bại đối thủ. Tuy nhiên, các kết quả này vẫn nằm trong biên độ sai số của cuộc khảo sát.
Bức tranh gần như đồng nhất từ nhiều cuộc thăm dò khiến một số nhà phân tích nghi ngờ về việc các công ty thăm dò có thể đang điều chỉnh theo tỷ lệ trung bình của các bang do lo ngại sẽ dự đoán sai lệch lần thứ ba liên tiếp, sau khi đã đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho ông Trump vào năm 2016 và 2020.
Trên trang web của NBC, ông Josh Clinton, giáo sư chính trị tại Đại học Vanderbilt, và ông John Lapinski, giám đốc bầu cử của NBC, đã đặt câu hỏi liệu kết quả sát nút hiện nay có phản ánh đúng tâm lý cử tri, hay chỉ là quyết định thận trọng của các nhà thăm dò. Họ cho rằng một số người có thể lo ngại về những phát hiện cho thấy sự dẫn đầu lớn bất thường của một ứng viên và thêm các yếu tố điều chỉnh.
Trong số 321 cuộc thăm dò gần nhất ở các bang chiến trường, 124 cuộc thăm dò - gần 40% - cho thấy chênh lệch không quá một điểm. Pennsylvania là trường hợp "đáng lo ngại" nhất, với 20/59 cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ hòa, và 26 cuộc thăm dò khác chênh lệch dưới 1%, hai vị chuyên gia viết.
Điều này cho thấy đây “không chỉ là một cuộc đua rất sát sao, mà còn là một cuộc đua khó tin”, ông Clinton và ông Lapinski đồng nhận định.
Số lượng lớn cuộc khảo sát lẽ ra phải cho thấy những quan điểm đa dạng hơn, ngay cả trong một cuộc bầu cử sát nút, do tính ngẫu nhiên trong thăm dò. Việc thiếu sự biến động cho thấy các nhà thăm dò có thể đã điều chỉnh các kết quả chênh lệch “lạ” trên 5%, ông Clinton và ông Lapinski lập luận.
“Hoặc một số công cụ mà các nhà thăm dò sử dụng vào năm nay để giải quyết các vấn đề trong cuộc thăm dò năm 2020, chẳng hạn trọng số theo xu hướng chính trị, kết quả bỏ phiếu trước đó hoặc các yếu tố khác, có thể làm giảm đi các khác biệt và giảm sự biến động trong kết quả thăm dò”, hai chuyên gia bổ sung.
Dù là lý do nào, “điều này làm tăng khả năng kết quả bầu cử có thể khác biệt bất ngờ so với câu chuyện sát nút mà các cuộc thăm dò cho thấy”, họ nhận định.
Song giữa những sự bất định, có một điều chắc chắn: Dù các nhà thăm dò đã cố gắng vẽ nên cuộc đua như thế nào trong vài tuần qua, khi bà Harris và ông Trump đối đầu trong những ngày cuối của cuộc bầu cử quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ, mọi thứ sẽ phải đi đến hồi kết.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-dang-thang-the-trong-cuoc-bau-cu-my-post1508496.html