77 triệu USD vốn vay đổi mới GDPT được chi như thế nào?
Để thực hiện đổi mới chương trình GDPT mới, tháng 1/2017, Bộ GD&ĐT và Ngân hàng thế giới (WB) đã khởi động dự án vay 77 triệu USD nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình GDPT mới.
Cụ thể, tổng dự án là 80 triệu USD, trong đó có 3 triệu USD là vốn đối ứng. Đây là dự án vốn vay Ngân hàng thế giới được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản đồng thời là chủ dự án vì thế nếu không thực hiện. Thời gian thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2015 đến 2020.
Dự án chia làm 4 phần: Phần 1 trị giá 16.431.850 USD để hỗ trợ phát triển CT gồm xây dựng CT tổng thể và các CT môn học (6,4 triệu USD) và thực hiện chương trình (10 triệu USD); Phần 2 trị giá 20.568.150 USD gồm hỗ trợ biên soạn một bộ SGK trị giá 16 triệu USD và 4,5 triệu USD cho việc cung cấp SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Phần 3 trị giá 37,5 triệu USD nhằm hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến CT và chính sách GDPT. Trong đoc 18,3 triệu USD chi cho việc xây dựng Trung tâm Quốc gia phát triển bền vững chất lượng GDPT và Trung tâm Quốc gia khảo thí ngoại ngữ; 15,5 triệu USD cho tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh; 3,5 triệu USD cho việc đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập học sinh.
Phần 4 chiếm 2,5 triệu USD là chi phí cho việc quản lý dự án, được coi là khâu tiết kiệm nhất.
Dự án này do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm Trưởng ban chỉ đạo đổi mới CT, SGK GDPT và các bộ phận giúp việc.
Điều đáng nói, trong 77 triệu USD vốn vay, có 16 triệu dự định chi cho việc Bộ GD&ĐT sẽ huy động nguồn lực, tổ chức viết 1 bộ SGK đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, sau đó do không có chuyên gia, Bộ GD&ĐT đã báo cáo về việc không thực hiện được bộ sách này, giao việc viết sách cho các cá nhân, tổ chức. Chính phủ cũng đã có văn bản cho phép Bộ GD&ĐT không thực hiện 1 bộ SGK mà thực hiện xã hội hóa.
Trong phần 2 dự án chiếm khoảng 25% giá trị vốn vay, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông cho biết, 4,5 triệu USD mua sách cho học sinh khó khăn thì sắp tới, Bộ và các địa phương, trường học lựa chọn bộ sách nào, có danh sách tổng hợp sau đó sẽ mua bộ sách đó về thư viện các trường. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể mượn SGK để học.
Riêng số tiền 16 triệu USD dự kiến chi cho việc thực hiện 1 bộ SGK, tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT không thực hiện được bộ sách, số tiền này được chi như thế nào vẫn đang là một câu hỏi.