78% nước thải của Hà Nội đang xả thẳng ra môi trường
Thực trạng ô nhiễm nước thải khiến các kênh mương, sông ngòi ở Hà Nội trở thành những điểm 'chết' gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Vậy đâu là mấu chốt trong việc xử lý ô nhiễm nước thải ở kênh mương, sông ngòi tại Hà Nội và công việc đó đang vấp phải những khó khăn gì?
Thủ đô Hà Nội với mật độ dân số ngày càng tăng, nhu cầu về nhà ở càng nhiều và đương nhiên người đông thì lắm rác.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, cả Thủ đô hiện chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% đang được xả thẳng ra môi trường. Đó là nguyên nhân khiến hàng loạt các con kênh, mương, sông ở Hà Nội “chết”. “Chết” ở đây là hoàn toàn bị “đóng băng” bởi váng mỡ, xăng dầu, rồi đủ các loại rác thải. Nhiều nơi, kênh, mương bị bịt kín lại bởi nhà cửa cơi nới, nước không có đường thoát gây ngập úng vào mùa mưa.
Trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, hiện nay nước thải không qua xử lý đem theo nhiều tạp chất đã và đang làm ô nhiễm nguồn nước không những trên bề mặt mà còn cả các nguồn nước ngầm... Nước ô nhiễm ngấm vào đất, ảnh hưởng đến việc trồng trọt. Để có nước sạch cho sinh hoạt, thành phố bắt buộc phải khai thác nhiều hơn, sâu hơn và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước là rất cao.
UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đã quyết liệt tìm kiếm giải pháp xử lý ô nhiễm ở các hồ, rồi thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch, Hồ Tây.... Hai trong số những giải pháp được đánh giá cao là chương trình sử dụng hóa chất Redoxy 3 của Đức làm sạch hồ ở Hà Nội và công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản lọc nước sông Tô Lịch, Hồ Tây.
Vừa qua, việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ đã có một số chuyển biến được xem là tích cực nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, làm sao có thể làm sạch sông khi mà dọc 14km sông Tô Lịch là hơn 300 ống cống xả liên tục 150.000m3 nước thải/ngày đêm? Rồi nên xử lý tận gốc từ nguồn hay tiếp tục xử lý trực tiếp ở kênh, mương, sông hay không...?
Với thực trạng ô nhiễm như hiện nay và đặc thù quy hoạch của Hà Nội thì việc xử lý nước thải từ nguồn ở Hà Nội là điều khó không tưởng. PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia môi trường Đỗ Thanh Bái về vấn đề này. Đầu tiên ông khẳng định rằng, việc áp dụng công nghệ của Hà Nội vào làm sạch sông, hồ mà gần đây nhất là sông Tô Lịch mới đang chỉ ở giai đoạn ban đầu và cần có thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, để thanh lọc nước bẩn ở Hà Nội về lâu dài vẫn phải xử lý từ nguồn. Nhưng việc này đang gặp phải ba khó khăn lớn.
Thứ nhất đó là về mặt chính sách, chưa có chính sách để ép buộc các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình phải xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường dẫn đến việc xả trực tiếp, bừa bãi. Mặc dù việc xử lý vi phạm đã có tại Khoản 1, Điều 81, Luật Bảo vệ môi trường 2005. Luật cũng yêu cầu tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải; nước thải sinh hoạt phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đưa vào môi trường; hành vi xả nước thải sinh hoạt trực tiếp, chưa qua xử lý ra môi trường đã vi phạm pháp luật về môi trường.
Còn theo quy định tại Điểm D, Khoản 1, Điều 20, Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi xả thải nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Nhưng, mức xử phạt trên là quá rẻ so với tác hại của rác, nước thải sinh hoạt tới môi trường. Nên chăng có một mức xử phạt hợp lý hơn với những người vi phạm. Mặc dù, có nhiều nơi, người dân không thể làm cách nào khác là xả thải trực tiếp bởi nơi họ sống quá chật chội, bịt bùng tứ phía... Đó cũng là khó khăn thứ hai trong việc xử lý nguồn nước thải: Quỹ đất không có.
Hằng ngày ở Hà Nội đều có chung cư hoặc nhà cao tầng được hoàn thiện, đó là chưa kể nhà riêng được xây mới, sửa sang hoặc cơi nới. Nhà mọc lên như nấm, người cũng theo đó mà tăng, nhưng hệ thống bể chứa nước sinh hoạt, bể gom nước thải lại vẫn như cũ hoặc thậm chí còn không có. Cũ bởi nhà đầu tư tiếc tiền không làm mới, vì họ dành thời gian xây nhà cho kịp tiến độ nên quên mất điều cơ bản.
Nhà này mọc san sát nhà kia, đến lúc cả khu bị ngập vì mưa, vì rác... mới sực nhớ là ống cống bé quá, không có bể chứa nước thì đã muộn. Lúc đấy, người dân cũng chỉ biết sống chung với bẩn, còn nhà đầu tư thì lại... tiếc tiền làm bể chứa, làm lại đường cống thoát nước nên cũng... kệ.
Hiện nay các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn gần như đã được quản lý tốt trong khâu xả thải. Họ đều đã có bể chứa, bể gom và máy lọc trước khi xả ra môi trường. Chỉ còn lại các cơ sở nhỏ lẻ, khu dân cư, dịch vụ là chưa được quan tâm đúng mức, hệ thống xử lý nước thải ở đây có cũng bằng không!
Khó khăn thứ ba là nhận thức của người dân. Thời đại công nghệ 4.0 mà vẫn còn nhiều người nghĩ rằng vứt rác ra đường là tạo công ăn việc làm cho công nhân vệ sinh môi trường. “Tôi đã chui hết các loại cống với công nhân vệ sinh ở Hà Nội và phải khẳng định một điều rằng, đây là công việc có cho tiền, nhiều tiền cũng chẳng ai dám làm. Khổ cực, bệnh tật, đã thế còn nghèo...”, ông Đỗ Thanh Bái nói.
Ba khó khăn trên thực sự đang cản bước chúng ta làm sạch, đẹp những kênh mương, sông ngòi trên địa bàn Thủ đô. Nhưng với thực trạng hiện nay, liệu còn có giải pháp gì ngoài công nghệ? Chuyên gia Đỗ Thanh Bái cho rằng, nếu không kịp xử lý nước thải từ nguồn thì phải xem xét xử lý ở đoạn giữa. Ông lấy ví dụ, sông Tô Lịch với hơn 300 ống cống như vậy, thì có thể thử nghiệm xử lý ở ngay miệng cống hoặc gần miệng cống. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ bởi có thể tốn kém về chi phí.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/78-nuoc-thai-cua-ha-noi-dang-xa-thang-ra-moi-truong-548523/