79% khách thuê mặt bằng lo doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ còn xấu hơn
Kết quả khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy 79% khách thuê mặt bằng bán lẻ tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn.
Theo khảo sát về sự ảnh hưởng của Covid-19 với gần 200 khách thuê mặt bằng thuộc hệ thống CBRE Việt Nam, nhiều nhà kinh doanh cho biết không lạc quan về cơ hội bứt phá trong những tháng còn lại của năm dù Việt Nam đã nới lỏng cách ly xã hội từ 23/4.
Cụ thể, 79% khách thuê tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn; 43% cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10% - 30% trong năm 2020; 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà. Và 27% người được hỏi mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh của họ đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, trong một khảo sát rộng hơn với các khách thuê mặt bằng kinh doanh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng do CBRE thực hiện cho thấy lĩnh vực bán lẻ chịu ảnh hưởng lớn từ việc các cửa hàng tạm ngưng kế hoạch mở rộng. Việc trì hoãn quyết định thuê sẽ có tác động lâu dài đến những tháng sau. Tuy nhiên, có 24% người kinh doanh vẫn kỳ vọng doanh thu tăng trưởng trong năm 2020, trong đó nhóm ngành công nghệ thông tin là lạc quan nhất.
Theo CBRE Việt Nam, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra rất phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn. Tình trạng trả mặt bằng và sang nhượng là điều bắt buộc để duy trì mức "tồn tại" đối với các doanh nghiệp nói chung nhưng chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn uống và beer-club… chiếm đến 90% so với các mô hình còn lại. "Đối với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn" - CBRE Việt Nam nhìn nhận.
Tình hình hiện tại buộc các chủ đầu tư các trung tâm thương mại phải tiếp tục những chính sách ưu đãi nhằm giảm gánh nặng chi phí cũng như tạo khoảng thời gian phục hồi cho khách thuê vượt qua giai đoạn khó khăn. Vào tháng 2, nhiều chủ đầu tư vẫn còn tâm lý dè chừng và chưa thực sự đưa ra một tín hiệu cụ thể nhằm hỗ trợ về giá cho khách thuê. Đến tháng 3, khi Chính Phủ đưa ra quyết định tạm ngưng hoạt động các địa điểm vui chơi, ăn uống và giải trí, chủ đầu tư mới bắt đầu đưa ra các chính sách hỗ trợ từ 10%-30% chi phí thuê tùy vào lĩnh vực với mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Sang tháng 4, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50%-100% tiền thuê mặt bằng. Đối với mặt bằng nhà phố, mức giảm còn tùy thuộc chủ nhà và ghi nhận thường từ 20%-30%. Bên cạnh đó, chủ đầu tư, chủ nhà đã phải linh hoạt hơn trong điều khoản đặt cọc, thanh toán và tích cực hỗ trợ khách thuê dưới nhiều hình thức.
Bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám Đốc - Trưởng Bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam, nhận định dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. "Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới" - bà Mai dự báo.