8/8 học sinh Việt Nam giành huy chương Vật lý Châu Á

Cả 8 thành viên đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO) lần thứ 25 năm 2025 tại Ả rập Xê út đã xuất sắc giành trọn bộ huy chương, mang về 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng - một thành tích vượt trội so với những năm trước.

Thông tin này vừa được Bộ GD&ĐT công bố. Ba Huy chương Vàng danh giá thuộc về các em: Nguyễn Thế Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Công Vinh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và Trương Đức Dũng, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ba Huy chương Bạc thuộc về các em: Lý Bá Khôi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trần Lê Thiện Nhân, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, TP. Huế và Phan Quang Triết, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.

Hai Huy chương Đồng về các em: Trần Trung Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, TP. Huế và Nguyễn Ngọc Phương Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.

Ảnh đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Vật lý châu Á năm 2025.

Ảnh đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Vật lý châu Á năm 2025.

Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 25 diễn ra từ ngày 4 đến 12/5 tại Ả rập Xê út đã thu hút sự tham gia của 208 thí sinh đến từ 30 đoàn của 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với thành tích 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng, đội tuyển Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ Vật lý khu vực, được đánh giá là có sự tiến bộ vượt bậc so với năm 2024 (khi Việt Nam giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng).

Theo quy chế của Olympic APhO, các thí sinh phải trải qua hai vòng thi đầy thử thách: bài thi lý thuyết kéo dài 5 tiếng và bài thi thực hành trong 5 tiếng. Đáng chú ý, nội dung bài thi lý thuyết năm nay tập trung vào các ứng dụng thực tế và hiện đại của Vật lý, bao gồm: Chuyển động tuế sai của trục Trái Đất và ảnh hưởng của nó đến khí hậu toàn cầu; Sóng spin, một hiện tượng liên quan đến máy tính lượng tử; Hiệu ứng nhà kính, một vấn đề cấp bách của toàn cầu. Bài thi thực hành được xây dựng dựa trên hiệu ứng cảm ứng điện từ và ứng dụng thực tế trong bếp từ, cho thấy sự gắn kết giữa kiến thức Vật lý và đời sống hàng ngày.

Với thành tích xuất sắc này, đội tuyển Việt Nam đã khẳng định vị thế trong nhóm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có kết quả cao nhất tại kỳ thi, bên cạnh những cường quốc Vật lý như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Bắc Trung Quốc và Liên Bang Nga.

Thành công rực rỡ của đội tuyển Việt Nam tại Olympic Vật lý Châu Á năm 2025 là nguồn động viên to lớn cho ngành giáo dục nước nhà, đồng thời là niềm tự hào của dân tộc, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/8-8-hoc-sinh-viet-nam-gianh-huy-chuong-vat-ly-chau-a-16925051108070675.htm