8 công trình tiêu biểu vào vòng chung khảo chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục'
Kết thúc thời gian tiếp nhận công trình dự thi, chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục' do Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức đã nhận được 1.061 công trình gửi dự thi đến từ 61/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc.
Trong đó, 671 công trình dự thi lĩnh vực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập (định hướng áp dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao); 217 công trình dự thi sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu (các công cụ ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, hoặc sáng chế mới, sáng chế được cải tiến).
Có 173 công trình dự thi nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục (nghiên cứu tính hiệu quả, khả thi của các sản phẩm, công cụ, ứng dụng: Học trực tuyến, giáo trình điện tử, phần mềm quản lý học tập (LMS - Learning), công cụ hợp tác trực tuyến, ứng dụng hỗ trợ học tập, trí tuệ nhân tạo và học máy trong giáo dục, thực tế ảo).

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, deep learning và big data chẩn đoán bệnh qua hình chụp X-quang cho sinh viên y khoa - một trong 8 công trình vào vòng chung khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”.
Sau khi diễn ra vòng sơ khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, Ban tổ chức công bố danh sách 8 công trình được giới thiệu vào vòng chung khảo:
1. Cổng thực hành lập trình thông minh PTIT DLAB (Nguyễn Văn Tiến - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông).
2. “BorderEnglish” - Luyện tập phát âm chuẩn quốc tế - IPA và xây dựng hệ thống từ vựng tiếng Anh cho học sinh tiểu học ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo và vùng cao (Đinh Thị Ngọc - Trường Tiểu học Hồi Ninh, Ninh Bình).
3. Thư viện học liệu số ứng dụng công nghệ 3D và trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Võ Nguyễn Đình Trí - thành phố Đà Nẵng).
4. Thiết kế website tra cứu tri thức UchooseEdu tích hợp với các nền tảng (Đào Thị Minh Châu - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
5. Máy tính cầm tay cho người khiếm thị (Đào Anh Hào - Thành đoàn Đà Lạt).
6. Ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế các sản phẩm STEM phục vụ việc dạy và học môn Toán ở bậc trung học phổ thông (Ngô Tùng Hiếu - Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Tiền Giang).
7. Hệ thống hỗ trợ giáo dục lịch sử địa phương áp dụng công nghệ Bluetooth Low Energy (BLE) (Hoàng Mạnh Quân - Trường THPT Chuyên Tuyên Quang).
8. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, deep learning và big data chẩn đoán bệnh qua hình chụp x-quang cho sinh viên y khoa (Phạm Mai Mẫn Nhi - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh).