Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của y học Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của nền y học Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Chiều 24/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai và dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Tại buổi lễ, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói, đơn vị đạt được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế. Những cơ chế, chính sách hết sức thiết thực và kịp thời trong giai đoạn vừa qua đã giúp tháo gỡ các khó khăn, nút thắt để vận hành, quản lý bệnh viện.
6 trụ cột phát triển
Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng chiến lược phát triển chuyên môn đến năm 2030 với 6 trụ cột phát triển chính: Chuyển đổi số, dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế; Tế bào gốc; Gene trị liệu; Phẫu thuật robot; Công nghệ in 3D các vật liệu thay thế các bộ phận cơ thể người; Ghép đa tạng.
Trong dịp này, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất, kiến nghị liên quan kinh phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo một số tòa nhà đã xuống cấp sau hơn 100 năm sử dụng; mua sắm thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại; cử chuyên gia đi đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tại nước ngoài; phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Y Dược Bạch Mai trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai; cấp kinh phí, hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện, liên thông dữ liệu trong khuôn khổ Đề án 06; sớm đưa cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP
Đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và đạt nhiều thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào với những tấm gương tiêu biểu về y đức và tài năng như Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di; bác sĩ Vũ Đình Tụng; Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng; Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu... trong đó có vai trò rất quan trọng của Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: Nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch và thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của ngành y học Việt Nam, xứng đáng là Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Nhờ đó, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, không phải ra nước ngoài điều trị.

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho PGS.TS. Đào Xuân Cơ và Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Ngọc (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: VGP
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ bệnh viện phải tiếp cận, làm chủ các kỹ thuật y học tiên tiến đồng thời chủ động, sáng tạo ra nhiều phương pháp điều trị mới; những kỹ thuật y học được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao phải được nhân rộng tới các tuyến và được ứng dụng rộng rãi.
Về các kiến nghị của Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng hoan nghênh và đồng ý về nguyên tắc; đề nghị bệnh viện khẩn trương xây dựng đề án, dự án để thực hiện, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xử lý các kiến nghị của Bệnh viện Bạch Mai, nếu có vướng mắc, ý kiến khác nhau giữa các cơ quan thì giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Năm 1911, Bệnh viện Bạch Mai được người Pháp thành lập, ban đầu là Nhà thương Cống Vọng chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân truyền nhiễm.
Đến năm 1935, bệnh viện được mở rộng nâng cấp thành bệnh viện đa khoa mang tên René Robin và được chọn làm cơ sở thực hành của Trường Y khoa Đông Dương - Trường Đại học Y khoa duy nhất tại Đông Dương lúc bấy giờ.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, bệnh viện được đổi tên là Bệnh viện Bạch Mai. Khi Thủ đô bị tạm chiếm, bộ phận hoạt động công khai của bệnh viện chuyển về cơ sở đặt tại làng Cự Đà.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều bác sĩ và y tá đã tình nguyện lên đường phục vụ chiến trường miền Nam. Bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần hứng chịu những trận ném bom. Hàng chục cán bộ y tế hy sinh. Trong những năm tháng khó khăn nhất, Bệnh viện Bạch Mai đã hai lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.
Hòa bình lập lại, Bệnh viện Bạch Mai bước vào giai đoạn phát triển cả về chất và lượng. Năm 2000, Thủ tướng quyết định Bệnh viện Bạch Mai là thành viên của Trung tâm Y tế chuyên sâu cho cả nước về điều trị, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 1 tại Hà Nội có quy mô 3.600 giường, 57 đơn vị: 4 Viện, 20 Trung tâm, 14 Khoa lâm sàng, 4 Khoa cận lâm sàng, 12 Phòng chức năng, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, tạp chí Y học Lâm sàng, Phòng Y tế cơ quan. Bệnh viện xây dựng kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận cơ sở 2 tại Hà Nam với quy mô 1.000 giường bệnh.