8 đại học Việt Nam lọt top 500 trường hàng đầu châu Á
Năm 2019-2020, Việt Nam có 8 đại học lọt vào top 500 trường hàng đầu châu Á. Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM được xếp thứ hạng 143, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ 147.
Rạng sáng 27/11, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS Asia 2019-2020 cho 550 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM xếp thứ nhất trong các trường Việt Nam với vị trí 143.
Đứng ở vị trí thứ 2 của Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội với thứ hạng 147. Kế đó là ĐH Tôn Đức Thắng với vị trí 207, vươn lên gần 90 bậc so với năm 2018-2019 (291-300).
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đứng vị trí thứ 4 của Việt Nam với thứ hạng 261-270.
So với năm 2018-2019, năm nay tại bảng xếp hạng 500 trường hàng đầu châu Á, Việt Nam có thêm ĐH Duy Tân với vị trí thứ 451-500.
Vị trí xếp hạng của các trường đại học Việt Nam trong QS châu Á 2019-2020
Đứng đầu bảng xếp hạng QS châu Á năm nay vẫn là ĐH Quốc gia Singapore; ĐH Công nghệ Nanyang vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, kế tiếp là ĐH Hồng Kông, ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh. Trong top 10 phần lớn là các trường đến từ Singapore và Trung Quốc.
TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: "ĐH Quốc gia TP.HCM hiện đứng số 1 tại Việt Nam ở hai tiêu chí quan trọng là danh tiếng học thuật và danh tiếng với nhà tuyển dụng. Hai tiêu chí này ĐH Quốc gia TP.HCM được xếp thuộc top 100 ĐH hàng đầu châu Á".
ĐH Quốc gia TP.HCM có điểm theo khảo sát ý kiến đồng nghiệp về danh tiếng học thuật (42,9%); khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (42,1%).
"Đây là hai tiêu chí chiếm trọng số cao nhất (50%) trong 10 tiêu chí xếp hạng đại học của QS Asia", ông Chính cho biết thêm.
Tổ chức QS Asia xếp hạng các ĐH dựa trên 10 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: Danh tiếng về học thuật (30%); Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (20%); Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (15%); Tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); Tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên (10%); Trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố (10%); Tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); Tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); Trao đổi sinh viên trong nước (2,5%).