8 dấu hiệu cho thấy dạ dày của bạn đang có một vết loét nghiêm trọng
Loét dạ dày nếu không được điều trị có thể dẫn tới thủng dạ dày hoặc xuất huyết dạ dày nghiêm trọng. Do các thói quen ăn uống đồ lạnh, thời gian ăn uống thất thường và 'nhậu bia' thường xuyên vào mùa nóng mà các triệu chứng bệnh dễ bùng phát hơn.
Loét dạ dày là gì? Loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương khi lớp nhầy bảo vệ dạ dày khỏi dịch tiêu hóa bị giảm xuống, axit tiêu hóa bắt đầu ăn mòn các mô lót dạ dày và tạo thành các vết loét gây đau đớn.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây loét dạ dày nhưng theo Healthline, loét dạ dày hầu như luôn do một trong những nguyên nhân sau:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
- Sử dụng lâu dài các nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen.
Bệnh loét dạ dày có thể dễ dàng chữa khỏi những cũng có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị phù hợp.
1. Dấu hiệu cho thấy dạ dày đang có một vết loét nghiêm trọng
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng loét dạ dày phụ thuộc vào mức độ nặng của vết loét.
- Đau vùng thượng vị không thuyên giảm
Loét dạ dày có thể gây đau ở vùng giữa xương ức và rốn (hay còn được gọi là đau vùng thượng vị), đây cũng được xem là triệu chứng điển hình của bệnh. Cảm giác đau có thể xuất hiện khi đói bụng và giảm bớt sau khi ăn hoặc uống sữa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ăn uống cũng có thể làm cho cơn đau thượng vị nặng hơn, cho thấy vết loét nghiêm trọng xuất hiện.
Cảm giác đau được mô tả là đau nóng rát hoặc đau nhói hay đau âm ỉ và có thể lan tỏa ra cả lưng.
- Khó tiêu kéo dài sau ăn
Người bị loét dạ dày thường bị khó tiêu nặng. Ngoài khó tiêu, cảm giác đầy hơi như ợ hơi hoặc nấc sau khi ăn có thể xuất hiện.
- Buồn nôn thường xuyên sau mỗi lần ăn hoặc khi đói bụng
Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn thường xuyên do dịch tiêu hóa bị mất cân bằng và niêm mạc dạ dày bị kích thích. Buồn nôn thường xảy ra khi bụng đói.
- Các triệu chứng giống cúm
Bình thường thì loét dạ dày ở mức độ nhẹ không gây ra các triệu chứng giống như cúm. Tuy nhiên, nếu loét dạ dày gây nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt, mệt mỏi và cảm giác khó chịu toàn thân, có thể tương tự như khi nhiễm cúm.
- Chán ăn
Những cơn đau bụng dữ dội và đột ngột trong vài giờ sau khi ăn có thể khiến một người bị loét dạ dày sợ ăn về lâu dài, dẫn tới chán ăn và suy dinh dưỡng do thiếu hụt.
- Cảm giác đói không thể giải thích được
Một số trường hợp bị loét dạ dày nặng có thể cảm thấy cực kì đói trong vòng vài giờ sau khi ăn một bữa nhiều calo. Điều này không phải do bạn thực sự đói mà là cơ thể nhầm lẫn cơn đau loét dạ dày khi dịch tiêu hóa tăng lên với cơn đói.
Cơn đau do loét có thể giảm bớt tạm thời sau khi ăn, do vậy mà người bệnh có thể tìm cách ăn để cố gắng giảm cảm giác không thoải mái này từ đó lại dẫn đến cảm giác đói thường xuyên hơn.
- Nôn ra máu
Loét dạ dày có thể gây nôn ra máu do vết loét sâu có thể xâm lấn vào các mạch máu trong dạ dày. Khi các mạch máu bị tổn thương, máu có thể lẫn vào trong dịch dạ dày và được đẩy ra ngoài qua cơn nôn. Nôn ra máu là tình trạng cấp cứu y tế, đòi hỏi phải được nhập viện và điều trị ngay lập tức.
- Phân bị đổi màu
Khi vết loét ngày càng lớn và trầm trọng hơn, phân có thể có màu sẫm hơn hoặc thậm chí là màu đen do có lẫn máu do đường tiêu hóa xuất huyết và trở nên nhầy hơn. Tình trạng này cần phải được thăm khám ngay lập tức.
Ngoài các dấu hiệu kể trên thì người bị loét dạ dày có thể bị trào ngược axit dạ dày, giảm cân đột ngột, thiếu máu,... Trong đó thiếu máu với cảm giác mệt mỏi, khó thở có thể cảnh báo một vết loét đang xuất huyết chậm, theo thời gian dẫn tới nôn ra máu hoặc phân đen lẫn máu và cần can thiệp y tế khẩn cấp.
2. Phân biệt loét dạ dày và ung thư dạ dày
Như đã nói ở trên, triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh loét dạ dày thường là cảm giác đau vùng thượng vị và cơn đau này thường trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn.
Còn triệu chứng ban đầu của ung thư dạ dày mặc dù có thể là đau bụng nhưng các triệu chứng phổ biến không kém khác là sụt cân bất thường, nôn mửa,...
Dưới đây là bảng so sánh một số điểm cơ bản giúp phân biệt loét dạ dày và ung thư dạ dày, theo Healthline:
3. Khi nào vết loét dạ dày phát triển thành ung thư?
Theo Healthline, hầu hết các vết loét dạ dày đều không phải ung thư nhưng có một số trường hợp bệnh loét dạ dày có thể chuyển thành ung thư dạ dày với tỷ lệ nằm trong khoảng từ 2,4% - 21%.
Trong một nghiên cứu năm 2018 với 111 người trên NCBI, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những người có vết loét dạ dày có đường kính lớn hơn 3cm có tới 37,8% là ung thư.
Một nghiên cứu khác năm 2022 trên NCBI, các nhà nghiên cứu cũng cho biết những người có tiền sử bị loét dạ dày nhiều hơn 3 lần cũng làm tăng rủi ro phát triển từ loét dạ dày sang ung thư dạ dày hơn so với những người không có tiền sử bị loét.
Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cũng là một trong những yếu tố nguy cơ phát triển ung thư dạ dày và loét dạ dày. Trong đó ung thư biểu mô tuyến dạ dày là phổ biến nhất được cho là do vi khuẩn HP và vi khuẩn này cũng gây ra khoảng 70% - 90% các ca bệnh loét dạ dày.
Nhìn chung, loét dạ dày có thể chữa khỏi nhưng bệnh cũng có thể gây chảy máu nghiêm trọng thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Khi được điều trị thích hợp, hầu hết các vết loét dạ dày thường lành lại trong vòng vài tháng, trong khi các vết loét nhỏ có thể tự lành nhưng đa số các vết loét thường có xu hướng phát triển lớn hơn. Đây là lý do tại sao một người khi phát hiện các triệu chứng tiêu hóa bất thường cần thăm khám bác sĩ sớm để được sàng lọc ung thư dạ dày và chẩn đoán nguyên nhân chính xác.
Nguồn: Healthline, Medical News Today