8 dấu hiệu của người nghiện làm việc
Người nghiện công việc hay đến sớm, về muộn nhất công ty. Họ chưa bao giờ từ chối nhiệm vụ được giao và thường để cảm xúc cá nhân phụ thuộc vào thành tựu trong công việc.
Là người đầu tiên và cuối cùng ở công ty: Theo Reader's Digest, không chỉ đi làm sớm để có thêm thời gian làm việc, nhiều người có xu hướng ở lại cơ quan đến tối muộn mới về, tình nguyện tăng ca thường xuyên. Tuy nhiên, việc làm cả 2 điều này quá thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy bạn là người nghiện công việc. Làm việc quá sức sẽ khiến bạn mệt mỏi, ốm yếu và kiệt sức. Thêm vào đó, nghiên cứu cho thấy làm nhiều giờ không nhất thiết hiệu quả. Tốt nhất, bạn nên giữ cân bằng công việc và cuộc sống lành mạnh. Ảnh: Rambler.
Bạn không thể rời xa công việc: Ngày nghỉ tồn tại để mọi người nghỉ ngơi, lấy lại sức lực, tái tạo năng lượng. Nếu bạn vẫn suy nghĩ về công việc khi đang đi dạo trên bãi biển hoặc leo núi, điều đó không tốt. Khi rời khỏi văn phòng, bạn hãy cố gắng tắt tất cả thiết bị làm việc. Ngoài ra, bạn có thể đặt ra giới hạn kiểm tra email khoảng 3 lần/ngày - khi vừa đến văn phòng, sau khi ăn trưa và trước khi về nhà. Quá bận tâm tới công việc sẽ khiến bạn quên mất bản thân ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Rd.
Luôn thấy mệt mỏi, kiệt sức: Điều này có thể do bạn đang làm việc quá nhiều. Nghiên cứu cho thấy những người nghiện công việc có nguy cơ mắc một số rối loạn thể chất và tâm lý cao hơn, bao gồm bệnh tiểu đường type II, đau tim, trầm cảm, lo lắng. Làm việc trong khi bạn bị ốm có thể khiến bạn dễ mắc sai lầm, không hiệu quả. Vì vậy, dù bận đến mấy, bạn nên dành thời gian để tập thể dục, ăn uống lành mạnh để bảo vệ cơ thể và sức khỏe của mình. Ảnh: Bravedefender.
Cảm xúc của bản thân gắn liền với thành công trong công việc: Bạn có thể ăn mừng chiến thắng của mình ở nơi làm việc nhưng phụ thuộc vào chúng để thấy vui vẻ lại là vấn đề lớn. Những thứ bên ngoài công việc cũng có thể mang lại niềm vui cho bạn, chẳng hạn một giải bóng giải trí hoặc tham gia câu lạc bộ sách hàng tuần. Ảnh: Nysenate.
Không có sở thích hoặc hoạt động vui chơi bên ngoài: Khi các mục tiêu hoặc thành công liên quan công việc là yếu tố duy nhất thúc đẩy bạn thức dậy vào buổi sáng, đó là lúc bạn phải sắp xếp lại các ưu tiên của mình. Những ưu tiên này không nên liên quan đến công việc. Bạn có thể đặt mục tiêu đến thăm tất cả bảo tàng trong thành phố hoặc làm tình nguyện viên tại một tổ chức phi lợi nhuận địa phương vào cuối tuần. Sự hài lòng hàng ngày của bạn sẽ tăng lên khi không nhất thiết dành toàn bộ thời gian ở văn phòng. Ảnh: Shutterstock.
Không bao giờ hài lòng với hiệu suất làm việc của mình: Những người nghiện công việc không bao giờ biết khi nào là đủ. Họ luôn tập trung vào nhiều hơn, tìm cách tối đa hóa mọi thứ bởi họ không thực sự biết thành công có ý nghĩa như thế nào. Sự chú ý của một người theo chủ nghĩa hoàn hảo đến từng chi tiết, mặc dù đôi khi hữu ích, có thể biến thành thời gian dài không cần thiết tại văn phòng và mức độ căng thẳng gây hại sức khỏe. Cố gắng vươn lên, bạn nên biết khi nào nên dừng lại và công nhận thành quả của mình cũng như những người khác. Ảnh: Kobieta.
Chưa bao giờ nói "không" với sếp: Nếu bạn bè nói với bạn rằng "lâu rồi chưa được gặp bạn" hoặc "bạn thật bận rộn", đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về thói quen làm việc không tốt của bạn. Thật tuyệt khi được đảm nhận nhiều dự án tại nơi làm việc nhưng điều quan trọng là phải nhận ra khi nào bạn đã cố gắng quá mức. Đừng ngại ngồi lại với sếp, giải thích mức độ trách nhiệm hiện tại của bạn trước khi đồng ý đảm nhận nhiều việc hơn. Thay vào đó, bạn nên dành thêm thời gian cho các hoạt động cá nhân và xã hội. Ảnh: Emprendepyme.
Không bao giờ tự nhận mình là người nghiện công việc: Như với bất kỳ chứng nghiện nào, một trong những dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy bạn là người nghiện công việc là bạn không thể thừa nhận nó. Những người nghiện công việc giống người nghiện rượu ở chỗ thường phủ nhận rằng họ có vấn đề dù mọi người đều nhận xét như vậy. Ảnh: Medcom.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/8-dau-hieu-cua-nguoi-nghien-lam-viec-post1334474.html