8 điểm mới trong Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã vừa ban hành
Theo Bộ Nội vụ, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP do Chính phủ vừa ban hành quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thay thế 4 nghị định khác và các quy định pháp luật liên quan, có nhiều điểm mới đáng quan tâm.
Thứ nhất, về tên, Nghị định này thay thế 4 nghị định và các quy định pháp luật liên quan gồm: Nghị định 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về CBCC xã, phường, thị trấn; Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với CBCC ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, TDP.
Thứ hai, về chức danh CBCC cấp xã, Nghị định không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).
Thứ ba, về số lượng CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trên cơ sở khoán tổng số CBCC cấp xã theo quy định hiện hành (tương ứng phường, xã, thị trấn loại II, II, III), Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể:
Theo quy mô dân số, đối với phường thuộc quận, cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định thì được thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách; với các ĐVHC còn lại, cứ tăng đủ 1/2 mức quy định thì được thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Theo diện tích tự nhiên, ngoài việc tăng thêm công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số, mỗi ĐVHC cấp xã cứ tăng đủ 100% mức quy định thì được thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Trên cơ sở tổng số CBCC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo loại ĐVHC cấp xã và số lượng được tăng thêm theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên nêu trên (theo từng cấp tỉnh), Nghị định quy định việc thực hiện khoán cho từng địa phương (cấp tỉnh) và phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của từng ĐVHC cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp yêu cầu thực tiễn nhưng không vượt tổng số CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính cho cả cấp tỉnh.
Căn cứ tổng số được HĐND cấp tỉnh giao, UBND cấp huyện quyết định số lượng và bố trí cụ thể CBCC, người hoạt động không chuyên trách ở từng ĐVHC cấp xã phù hợp thực tiễn, đảm bảo không vượt quá tổng số CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do HĐND cấp tỉnh giao.
Thứ tư, về số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP, Nghị định tiếp tục quy định 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách (Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng TDP, Trưởng Ban CTMT) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, TDP. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, TDP thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp thực tiễn.
Thứ năm, về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển dụng, bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và chế độ tiền lương, phụ cấp đối với CBCC cấp xã, Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện các quy định này như CBCC từ cấp huyện trở lên. Với vị trí việc làm CBCC cấp xã có đặc thù khác CBCC cấp huyện trở lên thì quy định cụ thể:
Quy định rõ tiêu chuẩn (khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác) và nhiệm vụ (bản mô tả công việc) của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm) CBCC cấp xã. Nếu đang là CBCC cấp xã mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì quy định ở điều khoản chuyển tiếp theo hướng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ thì thực hiện nghỉ hưu hoặc tinh giản biên chế.
Thứ sáu, về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh CBCC cấp xã, do chưa sửa đổi, bổ sung Luật CB, CC, không đủ căn cứ pháp lý để quy định công chức cấp xã có chức danh Văn phòng Đảng ủy và một số chức danh thuộc cấp ủy cấp xã, nên Nghị định bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm theo hướng: CBCC cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm.
Đồng thời, giao UBND cấp huyện quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số CBCC giảm được so với số được giao theo quy định tại Nghị định này.
Thứ bảy, về chế độ phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, TDP và chế độ hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, TDP, Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi ĐVHC cấp xã loại I-II-III tương ứng từ 16-13,7-11,4 lần mức lương cơ sở lên 21-18-15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/1 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người).
Ngoài mức này, với những ĐVHC cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 1 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người tăng thêm.
Cùng đó, tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3-5 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, TDP hiện nay lên mức 4,5-6 lần mức lương cơ sở (mức khoán 6 lần mức lương cơ sở áp dụng với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; TDP có 500 hộ gia đình trở lên; thôn, TDP thuộc ĐVHC cấp xã trọng điểm, phức tạp ANTT và thôn, TDP thuộc ĐVHC cấp xã biên giới, hải đảo; mức khoán 4,5 lần mức lương cơ sở áp dụng với thôn, TDP còn lại). Với ĐVHC cấp huyện không tổ chức ĐVHC cấp xã thì thôn, TDP được xác định theo ĐVHC cấp huyện đó.
Nghị định quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, TDP và mức chi hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, TDP. Việc UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, TDP; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức CT-XH ở cấp xã và hỗ trợ hằng tháng cho người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, TDP thì không phải xin ý kiến bộ, cơ quan T.Ư.
Thứ tám, Nghị định quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật và bãi nhiệm, miễn nhiệm, thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Để phù hợp tình hình từng địa phương, đẩy mạnh phân cấp, Nghị định quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về quản lý, sử dụng với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp.
Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.