8 điều thú vị về đảo Jeju, Hàn Quốc không phải ai cũng biết
Hòn đảo được tạo ra bởi các vị thần hay nơi có con đường ma ám là một trong số những điều thú vị về hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc này.
Jeju hay Jeju-do là hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc, được mệnh danh là “Hawaii của Hàn Quốc”. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng không chỉ với riêng người Hàn mà còn đối với cả du khách quốc tế bởi những bãi biển tuyệt đẹp và hệ sinh thái phong phú. Ẩn giấu trên hòn đảo này là những điều thú vị mà không phải du khách nào đến với Jeju cũng biết.
1. Jeju có ngôn ngữ riêng
Hàn Quốc được biết đến là đất nước có nhiều phương ngữ khu vực, nhưng Jeju không chỉ có phương ngữ riêng mà còn có ngôn ngữ riêng biệt. Tuy nhiên hiện nay, chỉ còn một số cư dân bản địa cao tuổi vẫn nói được loại ngôn ngữ này, hầu hết những người trẻ hay nói một biến thể của tiếng Hàn với phương ngữ Jeju. Trẻ em cũng không còn học tiếng Jeju ở trường nữa. Trước nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ này, UNESCO đã bổ sung ngôn ngữ của đảo Jeju vào Sách đỏ về các ngôn ngữ nguy cấp vào năm 2011. Cũng theo tổ chức này, ngày nay trên đảo Jeju không còn quá 10.000 người có thể sử dụng loại ngôn ngữ đặc biệt này.
2. Jeju là nơi có ngọn núi cao nhất Hàn Quốc
Núi Hallasan trên đảo Jeju là ngọn núi cao nhất của Hàn Quốc. Đây là một ngọn núi lửa cao tới 1950m so với mực nước biển và được xem như là một trong ba ngọn núi thần của Hàn Quốc. Ngọn núi có niên đại từ kỷ Đệ tứ của Kỷ nguyên Kainozoi, các chuyên gia tin rằng nó có thể đã phun trào cách đây khoảng 25.000 năm.
Ở đây có thảm thực vật và động vật phong phú và được mệnh danh là “cánh cửa thiên đường”. Tại sườn dốc của ngọn núi có một số các ngôi chùa Phật giáo, trong đó ngôi chùa cổ nhất trên đảo là Hyomyeonsga cũng nằm tại nơi đây.
3. Hòn đảo được thần tạo nên
Truyền thuyết kể lại rằng đảo Jeju được tạo nên bởi một vị nữ thần khổng lồ có tên Seolmundae Halmang. Bà đã dùng chiếc váy của mình để mang những viên đá nhỏ rồi đổ chúng ra vùng biển nước rộng mênh mông để tạo thành một nơi nghỉ ngơi cho mình.
Chẳng bao lâu sau một hòn đảo dần dần hình thành, để hoàn thiện nó, bà đã tạo nên một ngọn núi vô cùng cao ở trung tâm của đảo, cao đến nỗi nó có thể chạm tới thiên đường, đó chính là núi Hallasan. Tuy nhiên sau đó, nữ thần lại cảm thấy ngọn núi quá cao nên quyết định phá vỡ đỉnh của nó. Đỉnh núi bị đánh văng ra ngoài biển và trở thành mỏm đá Sanbangsan.
4. Người dân trên đảo Jeju theo mẫu hệ
Ở Jeju, phụ nữ được coi là người cung cấp chính cho gia đình, bởi vậy họ đóng vai trò là chủ gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do nghề lặn truyền thống trên đảo đều là phụ nữ đảm nhận, họ còn được biết đến với cái tên haenyeo, hay nữ thợ lặn. Những nữ thợ lặn thường thu hoạch rong biển, động vật thân mềm và các sinh vật biển khác.
Những nữ thợ lặn có thể lặn sâu tới 10m mà không cần mặt nạ dưỡng khí. Mỗi lần lặn, họ có thể nín thở tới hơn 1 phút. Công việc của họ có thể kéo dài tới 7 tiếng mỗi ngày. Nhiều người trong số họ tuổi đã cao (từ 60 – 80 tuổi) nhưng vẫn có thể đều đặn thực hiện công việc này. Trước khi lặn, các nữ thợ lặn thường cầu nguyện trước nữ thần biển cả Jamsugut để cầu xin sự an toàn và thu hoạch bội thu.
5. Jeju là một tỉnh tự trị
Jeju trở thành tỉnh tự trị đầu tiên và duy nhất ở Hàn Quốc vào năm 2006. Chủ trương này nhằm biến Jeju có thể trở thành “thành phố tự do quốc tế” tương tự như Hồng Kông và Singapore. Theo đạo luật về tỉnh tự trị đặc biệt, chính quyền tỉnh Jeju được trao quyền tự quyết ở mức cao trong nhiều lĩnh vực, trừ ngoại giao, quốc phòng và tư pháp.
6. Tượng đá Ông Nội và Bà Nội
Đến với Jeju, du khách chắc chắn sẽ bị ấn tượng bởi những bức tượng đá bazan nằm khắp nơi trên đảo. Chúng được gọi là tượng đá Dol Hareubang, người dân trên đảo đã kể lại rằng, tổ tiên của người Jeju chính là những bức tượng đá này, đồng thời họ cũng coi những bức tượng này là vị thần bảo vệ người dân khỏi quỷ dữ và mang đến mùa màng bội thu.
Điều đặc biệt là những bức tượng đá Dol Hareubang này có phân định giới tính, được người dân gọi là Ông Nội và Bà Nội. Ở đây cũng quan niệm, nếu muốn sinh được con trai thì hãy đặt tay lên mũi Ông Nội, và ngược lại, nếu muốn sinh con gái hãy đặt tay lên mũi Bà Nội.
7. Có thác nước duy nhất ở châu Á đổ ra biển
Thác nước Cheonjiyeon là điểm cuối cùng của một con suối, có độ cao 22m, rộng 12m, nước từ thượng nguồn đổ về đây quanh năm, trắng xóa cả một vùng. Dưới chân thác là một hồ nước nhân tạo sâu 20m tạo nên một khung cảnh vô cùng hoang sơ và hùng vĩ. Đặc biệt, đây cũng là thác nước duy nhất ở châu Á đổ ra biển.
8. Con đường ma Dokkebi road
Dokkebi là một con đường kỳ lạ và nổi tiếng nhất trên đảo Jeju, nó không nổi tiếng vì cảnh sắc tươi đẹp mà là vì những hiện tượng kỳ lạ tại đây. Tương truyền nếu có người dừng xe tắt máy ở dưới chân dốc trên con đường này, thì xe sẽ tự động leo lên dốc mà không cần đến động cơ, như thể có người đẩy xe lên từ phía sau.
Trước đây, người dân xung quanh lan truyền tin đồn có ma ám con đường này, tuy nhiên khi các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu đã giải thích rằng thực ra đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Vào những ngày trời quang đãng, không nắng, không mưa, những người đi trên con đường này có thể bị đánh lừa thị giác, tưởng rằng có con dốc lên nhưng thực chất là dốc xuống.