8 điều tuyệt đối kiêng kỵ khi đi lễ chùa mùng 1 Tết

Tục lệ lễ chùa đầu năm của người Việt là một tục lệ truyền thống cầu bình an, may mắn. Có một số điều nên kiêng kỵ trong tục lệ này bạn nên biết.

8 kiêng kỵ khi đi chùa

1. Không ăn mặc phản cảm: Chùa là nơi thanh tịnh, trang nghiêm vì vậy trang phục cần gọn gàng, kín đáo, không mặc váy ngắn, quần cộc, hở hang.

2. Không đi vào Tam bảo từ cửa chính: Khi bước vào nhà chính của chùa là nên bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính.

3. Không đi giày dép vào cửa Tam bảo: Đi dép vào Tam bảo là điều kiêng kỵ ở hầu hết các chùa. Do vậy khi đi lễ chùa cần chú ý điều này.

4. Không chạm tay vào tượng Phật: Điều này thể hiện sự bất kính đối với chư Phật.

5. Không chụp ảnh quay phim tượng Phật: Chùa là nơi thanh tịnh thờ Phật, việc chụp ảnh là điều không nên khi tham quan và lễ chùa.

6. Không đi ngang qua mặt người đang lễ Phật: Nếu muốn đi qua thì nên đi phía sau người đang lễ, điều này thể hiện tính lịch sự văn hóa.

7. Không dùng miệng thổi hương, nến: Ta nên dùng tay phẩy nhẹ để tắt lửa.

8. Không tùy tiện nhét tiền công đức: Nên bỏ tiền công đức vào các hòm quy định, tránh nhét tiền tùy tiện trong Chùa.

Đi lễ chùa là để tâm thanh tịnh, cầu sức khỏe và bình an. Vì vậy giữ gìn nét đẹp truyền thống khi đi lễ chùa cũng như cần kiêng kỵ những việc không nên làm khi đi lễ là điều cần thiết mà mỗi người nên chú ý.

Sắm lễ, đi chùa đúng cách

Mâm lễ đi chùa ngày mùng 1 tết chỉ nên sắm lễ chay và dâng hương, Tuyệt đối không sắm lễ mặn. Có thể tham khảo mâm lễ chùa gồm các thành phần như sau:

Mâm ngũ quả

: Bao gồm các loại quả như Dưa hấu, Bưởi, Táo, Dứa, Nho, Xoài, Thanh long, Phật thủ

Bánh kẹo

: Bánh mứt, Bánh khảo, bánh bông lan…

Hoa

: Hoa tươi như hoa Cúc, hoa Lan, Hoa huệ, Lay ơn….

Nước

: Nước ngọt không có ga.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Chủ tịch CLB Phong thủy Thăng Long cho biết trên Giáo dục & Thời đại: “Không chỉ đến chùa để cầu xin được bình an, sức khỏe, tài lộc hay chuyện làm ăn thuận lợi mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh giúp tinh thần được thanh tịnh và thoải mái nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết về phong tục đi lễ chùa đầu năm cầu may hay đi chùa lễ Phật ngày thường như thế nào đúng đắn nhất”.

*Những thông tin trên mang tính chất tham khảo.

Công Hiếu (t.h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/8-dieu-tuyet-doi-kieng-ky-khi-di-le-chua-mung-1-tet-a505824.html