Hà Nội: Xử lý dứt điểm dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện; tổng hợp, phân loại các dự án đầu tư, nguyên nhân tồn đọng, dừng thi công kéo dài, đề xuất phương án xử lý, giải quyết, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/11/2024.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Văn bản số 3766/UBND-ĐT về việc triển khai thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được giao quản lý, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài; thuộc phạm vi, địa bàn quản lý (bao gồm các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy lợi, môi trường, thoát nước và xử lý nước thải, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa; các dự án khu đô thị, khu nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở sinh viên), bãi đỗ xe, chợ,… chậm triển khai, chậm đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh theo dự án, quy hoạch được duyệt; các khu công viên đã đầu tư xây dựng nhưng chưa khai thác, sử dụng các ô đất quy hoạch công viên chưa đầu tư xây dựng,…).
Trên cơ sở đó, các đơn vị báo cáo rõ nguyên nhân, khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại (trong đó xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá), có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/11/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện; tổng hợp, phân loại các dự án đầu tư, nguyên nhân tồn đọng, dừng thi công kéo dài, đề xuất phương án xử lý, giải quyết, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/11/2024.
Rà soát, thống kê toàn bộ các công trình trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý, nhất là đối với các công trình công sở, trụ sở sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; đề xuất kế hoạch, biện pháp khắc phục, sắp xếp, khai thác có hiệu quả các công trình này (trong đó xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá); có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Tài chính trước ngày 25/11/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, tại Hà Nội hoàng loạt dự án ngưng trệ, không chỉ gây lãng phí tài nguyên, mà còn để lại nhiều hệ lụy về môi trường, mỹ quan đô thị, đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng.
Điển hình là dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại khu đất 2.291 m2 số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, được giao đất từ năm 2012. Trong báo cáo kết luận Thanh tra Chính phủ hồi tháng 10/2024, cơ quan này cho hay, việc một số người dân lấn chiếm khu đất, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai nhưng chưa được cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, gây nguy cơ thất thoát quyền sử dụng đất.
Cũng tại quận Cầu Giấy, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT ở nút giao Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng từ năm 2013 được cấp phép quy hoạch cao 34 tầng, công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Thế nhưng, hình ảnh hiện tại vẫn là hàng rào tôn quây kín.
Tại quận Hoàng Mai, dù đã được hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay, khu tái định cư Đền Lừ III vẫn trong tình cảnh bị lãng quên với một số hạng mục xuống cấp. Nơi đây trở thành điểm tập kết rác thải, phế liệu.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ di dân giải phóng mặt bằng - N01 tại ô đất D17 Khu Đô thị mới Cầu Giấy (số 1 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) - có quy mô 15 tầng với 299 căn hộ cũng trong tình cảnh tương tự khu tái định cư Đền Lừ III.
Còn ngay mặt đường Phạm Hùng, tòa nhà cao 31 tầng trên lô đất rộng gần 8.500 m2 mang tên Trung tâm Điều hành và Giao dịch của Tổng công ty Xi măng Việt Nam khởi công năm 2011 đến giờ cũng dang dở…
Ở quy mô lớn hơn có thể kể đến dự án Thành phố Công nghệ xanh ở quận Nam Từ Liêm, báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Văn phòng Chính phủ hồi tháng 9/2020 về rà soát dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng cho biết, dự án này nằm trong danh mục xem xét thu hồi, sau đó Tập đoàn Blenheim đề nghị được điều chỉnh quy hoạch dự án do chưa giải phóng xong mặt bằng.