8 doanh nghiệp thép lớn nhất đều âm lợi nhuận trong quý III/2022
CTCP Chứng khoán Everest (Mã chứng khoán: EVS) vừa công bố báo cáo ngành thép Việt Nam, nhận định quý III/2022 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong nước ở mức thấp trong quý III. Cụ thể, sản xuất thép trong quý đạt 6,68 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ 2021 và giảm 18% so với quý trước. Tiêu thụ thép đạt 6,14 triệu tấn, giảm 12% so với quý trước và giảm 1% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, ngành thép gặp khó khăn từ đầu năm đến nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,81 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,26 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
EVS Research cho rằng, sản xuất và tiêu thụ thép đang ở mức rất thấp, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm cả nước đóng cửa vì dịch bệnh và các hoạt động xây dựng gần như đóng băng tại các thành phố lớn.
Theo EVS Research, một trong những nguyên nhân khiến ngành thép gặp khó khăn trong quý III và 9 tháng đầu năm nay là do ngành bất động sản trì trệ. Kể từ sau vụ sai phạm tại Tân Hoàng Minh bị phát giác hồi đầu năm, trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, mà đây lại là nguồn vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản một vài năm trở lại đây.
Về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong nước, tính đến thời điểm ngày 1/11/2022, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, doanh thu của 8 doanh nghiệp thép lớn nhất đạt 59,274 tỷ đồng, giảm 19% và và lợi nhuận - 3,317 tỷ đồng, giảm -127% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất là: CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Nam Kim (NKG), CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) và CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm.
Đặc biệt, HPG có quý thứ 2 ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm sau gần 12 năm. Điều này cho thấy khó khăn chung của ngành thép trong bối cảnh hiện tại. Theo Everest, nguyên nhân khiến HPG ghi nhận lợi nhuận âm là do:
Doanh thu ở mức thấp. Tổng sản lượng tiêu thụ thép quý III/2022 chỉ đạt 1,7 triệu tấn, giảm 7% so với quý trước và giảm 4% so với quý III/2021. Bên cạnh đó, giá thép xây dựng tiếp tục về mức thấp so với quý II/2022.
Giá vốn vẫn ở mức cao. Khoảng 80% giá vốn của HPG đến từ quặng sắt và than cốc. Mặc dù giá của hai nguyên liệu này đã hạ nhiệt trong quý III. Tuy nhiên, HPG vẫn phải ghi nhận hàng tồn kho nguyên liệu nhập từ các quý trước với giá cao hơn thời điểm quý III/2022.
Chi phí tài chính tăng cao “ăn mòn” lợi nhuận. HPG nhập than cốc và quặng sắt từ nước ngoài và thanh toán bằng USD. Theo Chứng khoán Everest, quý III vừa qua, HPG trả khoản nợ 10.855 tỷ cho nhà cung cấp trong bối cảnh tỷ giá USD/VND leo thang. Điều này khiến HPG ghi nhận lỗ gần 1.119 tỷ, cao hơn lợi nhuận gộp trong quý.
Tuy nhiên, nhận định về triển vọng của HPG trong quý cuối năm 2022, Everest kỳ vọng mặc dù giá thép đã giảm về vùng thấp, nhưng sẽ có thể duy trì ở mức này khi nhu cầu tiêu thụ thép cao phục vụ cho mùa xây dựng cuối năm. Giá vốn quý IV có thể ghi nhận ở mức thấp nhờ ghi nhận chi phí than cốc và quặng sắt thấp hơn so với quý III do xu hướng giá hai nguyên liệu này liên tục giảm từ tháng 3/2022 đến nay. Bên cạnh đó, áp lực lỗ tỷ giá giảm khi khoản phải trả người bán ngắn hạn chỉ còn 14.586 tỷ vào cuối quý III/2022, thấp hơn so với mức 27.836 tỷ cuối quý II/2022.
Đánh giá tổng quan về triển vọng ngành thép trong quý IV, Everest kỳ vọng mùa xây dựng cuối năm sẽ mang lại điểm sáng cho bức tranh ngành thép ảm đạm 9 tháng đầu năm.
Về ngắn hạn, Everest đánh giá ngành thép có thể phục hồi nhẹ vào quý IV. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng quyết định sự phục hồi của ngành thép trong dài hạn, lại phải trông chờ vào tín hiệu từ ngành bất động sản.