8 hành vi chưa chuẩn của cha mẹ trong dạy bảo con cái sẽ khiến trẻ càng bướng bỉnh, cục tính

Trẻ em luôn dõi theo hành động của cha mẹ, nếu người lớn cư xử đúng mực, con cũng sẽ học cách nói chuyện tử tế...

Dưới đây là những hành động cha mẹ có thể làm chưa đúng khi giao tiếp với trẻ khiến con càng bướng bỉnh hơn:

1. Mặc cả với trẻ

Khi muốn đứa trẻ bướng bỉnh nghe lời, nhiều phụ huynh thường đặt điều kiện "Nếu hôm nay con cư xử tốt, mẹ sẽ mua cho con...". Tuy nhiên, điều này chỉ khiến trẻ vâng lời lần này, nhưng lần sau, con đòi hỏi điều gì đó lớn hơn.

Đôi khi, cha mẹ chỉ nhìn vào hành vi xấu của con. Điều này không đúng. Chúng ta cần chú ý cả khi con làm việc tốt. Khi đó, bạn có thể thưởng cho con món quà nhỏ hoặc kẹo, bánh để khích lệ trẻ phát triển theo hướng tích cực.

Khi muốn đứa trẻ bướng bỉnh nghe lời, nhiều phụ huynh thường đặt điều kiện, đây là một hành động sai lầm. Ảnh minh họa

Khi muốn đứa trẻ bướng bỉnh nghe lời, nhiều phụ huynh thường đặt điều kiện, đây là một hành động sai lầm. Ảnh minh họa

2. Cha mẹ thường xuyên cáu gắt

Cha mẹ là bản chính, con cái là bản sao. Nếu cha mẹ thường xuyên cáu gắt, nổi giận trước mặt con thì không chỉ khiến trẻ xa lánh mà nguy hiểm hơn, điều này còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách trẻ sau này.

Đừng "giận cá chém thớt", đừng lôi trẻ vào tâm trạng xấu của cha mẹ. Xin các bậc phụ huynh đừng vì tức giận bởi gặp rắc rối rồi đổ cơn tức sang con. Nếu cha mẹ thường xuyên có hành vi xấu này sẽ tạo nên một vòng luẩn quẩn khó giải quyết.

Và những cảm xúc tiêu cực sẽ theo con đến suốt cuộc đời. Trẻ vô tình sẽ trở thành người hay sợ hãi, tâm trạng bất an và thường xuyên cáu giận vô cớ.

3. Sử dụng quyền lực để ép trẻ làm theo yêu cầu

Một cuộc đấu tranh quyền lực xảy ra khi 2 mẹ con tranh giành quyền kiểm soát trong một tình huống cụ thể. Hành vi nổi loạn này diễn ra khi trẻ từ chối làm điều gì đó mà bạn yêu cầu hoặc tuân theo một quy tắc mà bạn đã đặt ra.

Thông thường, sự phản kháng bắt nguồn từ việc đơn giản là muốn kiểm soát hoặc sử dụng quyền lực và ít liên quan đến yêu cầu được đặt ra.

Để tránh xung đột căng thẳng giữa bố mẹ và con cái, bạn nên tìm cách giải tỏa ngay sau khi nó xảy ra, sau đó tạo ra các tình huống đôi bên cùng có lợi trong tương lai.

Sự phản kháng bắt nguồn từ việc đơn giản là muốn kiểm soát hoặc sử dụng quyền lực và ít liên quan đến yêu cầu được đặt ra. Ảnh minh họa

Sự phản kháng bắt nguồn từ việc đơn giản là muốn kiểm soát hoặc sử dụng quyền lực và ít liên quan đến yêu cầu được đặt ra. Ảnh minh họa

4. Khi trẻ bướng bỉnh hay cáu giận, bạn thường đứng cao hơn hoặc ngồi thấp hơn và chỉ tay vào mặt trẻ

Sự thật là đứng cao hơn hoặc ngồi thấp hơn trẻ là những tư thế không tốt để giải tỏa cảm xúc của trẻ, đặc biệt nếu bạn kèm theo cử chỉ bằng tay (ví dụ như chỉ ngón tay vào mặt trẻ).

Tư thế được khuyên là bạn và trẻ ở ngang tầm mắt nhau, khi đó năng lượng của cơn giận sẽ bị triệt tiêu và trẻ dễ lắng nghe bạn hơn.

Các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ nên ngồi xuống hoặc bế trẻ ngồi trên ghế cao để bạn và trẻ có thể giao tiếp bằng mắt với nhau dễ dàng.

Sự thật là đứng cao hơn hoặc ngồi thấp hơn trẻ là những tư thế không tốt để giải tỏa cảm xúc của trẻ, đặc biệt nếu bạn kèm theo cử chỉ bằng tay. Ảnh minh họa

Sự thật là đứng cao hơn hoặc ngồi thấp hơn trẻ là những tư thế không tốt để giải tỏa cảm xúc của trẻ, đặc biệt nếu bạn kèm theo cử chỉ bằng tay. Ảnh minh họa

5. Từ chối trẻ mọi lúc không cần lý do

Cha mẹ thường rất dễ nổi giận với con cái của mình, đặc biệt khi con bướng bỉnh. Và những lúc như vậy, họ thường cấm trẻ mọi thứ. Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp ích.

Trẻ nhỏ, nhất là những bé rất bướng bỉnh, sẽ càng cần sự công bằng và cư xử đúng mực của người lớn. Cha mẹ không thể ứng phó với con bằng cách chỉ nói có hoặc không. Nếu cần phải nói "không", bạn hãy giải thích nhẹ nhàng về lý do từ chối con.

6. Thường xuyên ra lệnh cho con

Số đông cha mẹ thường ra lệnh cho con làm việc gì đó mà không cho chúng cơ hội để suy nghĩ. Thay vào đó, chúng chỉ có hai sự lựa chọn hoặc tuân theo hoặc không tuân theo. Đó là một sai lầm

Mặc dù cha mẹ có thể thêm các từ như "làm ơn" và "cảm ơn" để làm dịu lời nói của mình, nhưng điều này không phải ai cũng áp dụng được.

Thay vì sử dụng mệnh lệnh, hãy thử sử dụng các cụm từ bắt đầu bằng "Mẹ/bố thực sự cần con...". Ví dụ: "Mẹ thực sự cần con đi giày vào để chúng ta có thể đi học".

Vì thế, giải pháp được đưa ra là thay vì sử dụng các mệnh lệnh, hãy thử đưa ra những lời "gợi ý bóng gió" để con tự hiểu và làm theo.

7. Tiếp tục la mắng khi trẻ có những biểu hiện phản ứng lại bạn

Theo những nghiên cứu về tâm lý trẻ nhỏ, khi trẻ có những biểu hiện chống lại bạn như bịt tai, chống nạnh, đánh trả lại bạn... là đến lúc cuộc trò chuyện hay tranh luận nên dừng lại, bởi vì năng lượng không thể dung hòa, tốt nhất hãy để nó cháy 1 mình. Nguồn lửa chỉ có thể duy trì nếu có oxy. Nếu bạn không "quạt" thêm oxy vào thì nó cháy hết sẽ tự tắt.

Do đó, khi gặp tình huống này, đã đến lúc bạn cần cho trẻ 1 thời gian suy ngẫm, hãy ngừng tranh luận, giữ khuôn mặt nghiêm và đừng quan tâm đến hành vi của trẻ. Bạn có thể yêu cầu/bế trẻ vào khu vực time-out (hình phạt để trẻ ngồi 1 mình tự suy ngẫm).

Và hãy tự thưởng cho mình tách trà hay cà phê và tính thời gian time-out.

8. Người lớn cư xử không đúng mực

Trẻ em luôn dõi theo hành động của cha mẹ. Và tất nhiên, nếu người lớn cư xử đúng mực, tử tế, con cũng sẽ học cách nói chuyện tử tế.

Còn nếu cha mẹ nói chuyện thô lỗ, hách dịch, có thể con cũng sẽ hình thành tính cách tiêu cực đó trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần làm gương cho con cái đầu tiên, hạn chế làm việc xấu trước mặt trẻ.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/8-hanh-vi-chua-chuan-cua-cha-me-trong-day-bao-con-cai-se-khien-tre-cang-buong-binh-cuc-tinh-172240605162805785.htm