8 kiểu người khó ưa chốn văn phòng

Theo Amy Gallo, biên tập viên của Harvard Business Review, tồn tại 8 kiểu người khó ưa chốn văn phòng. Trong đó, kiểu người hay gây sự thụ động là khó đối phó nhất.

 Theo biên tập viên tại Harvard Business Review, chốn văn phòng tồn tại 8 kiểu người khó ưa. Ảnh minh họa: Unsplash.

Theo biên tập viên tại Harvard Business Review, chốn văn phòng tồn tại 8 kiểu người khó ưa. Ảnh minh họa: Unsplash.

Là biên tập viên tại Harvard Business Review (HBR), Amy Gallo còn là tác giả cuốn sách về chốn công sở có tên Getting Along: How to Work with Anyone (Even Difficult People) HBR Guide to Dealing With Conflict.

Theo Gallo, công sở tồn tại 8 kiểu người khó ưa. CNBC đã liệt kê 8 kiểu người này kèm đặc điểm nổi bật của họ.

8 kiểu người khó ưa

Người gây sự thụ động (The Passive-Aggressive) là kiểu người phổ biến nhất chốn công sở và cũng là kiểu người tệ nhất. Họ luôn tỏ ra tuân theo yêu cầu của người khác nhưng sau lưng sẽ ngầm phản kháng. Ngoài ra, kiểu người này không bao giờ trình bày rõ ràng nguyện vọng của bản thân mà chỉ nói mơ hồ, gián tiếp, khiến người khác thấy khó hiểu, khó nắm bắt và khó làm cùng.

Người không an toàn (The Insecure Boss) thuộc kiểu người quản lý từng tý một, thường xuyên bới lông tìm vết. Họ còn tìm cách thao túng tâm lý nhân viên, luôn khiến bạn tự vấn về mọi hành động của mình. Thậm chí, nếu xem bạn là một mối đe dọa, họ sẵn sàng làm tổn thương và tác động xấu đến bạn và sự nghiệp của bạn.

Người bi quan (The Pessimist) là kiểu người sẽ liên tục bàn lùi về mọi chuyện. Trong mắt họ, dường như không có điều gì tích cực để nói.

Nạn nhân (The Victim) là kiểu người bi quan luôn cảm thấy cảm thấy mọi người muốn làm tổn thương mình. Họ không chịu trách nhiệm về hành động của mình và luôn đổ lỗi cho người khác khi mọi việc diễn ra không như ý muốn.

Người biết tuốt (The Know-It-All) tin rằng họ là người thông minh nhất, luôn lấn át và không ngại quấy rầy người khác. Họ phô trương sự hiểu biết của mình mọi lúc mọi nơi và cho nó là đúng dù những điều đó sai rành rành.

Kẻ hành hạ (The Tormentor) là người đạt đỉnh sự nghiệp nhờ hy sinh người khác làm đá lót đường. Họ có thể là một đồng nghiệp cao cấp, người bạn mong đợi có thể cố vấn cho mình, nhưng cuối cùng lại làm cuộc sống của bạn khốn đốn.

Kẻ tư lợi (The Biased) thường cố ý hoặc vô tình vi phạm các nội quy. Bất kể mục đích của những người này là gì, sự vi phạm của họ là không phù hợp và có thể gây hại.

Chính trị gia (The Political Operator) là kiểu người phát triển sự nghiệp của mình nhờ tiền của người khác.

Cách xử lý người gây sự thụ động tại nơi làm việc

Theo Amy Gallo, gây sự thụ động là một trong những hành vi khó chấp nhận nhất ở các văn phòng vì rất khó khắc phục hay sửa chữa. Tuy nhiên, vẫn có một số mẹo đơn giản bạn có thể sử dụng để tương tác với đồng nghiệp hiệu quả hơn.

 Nói chuyện thẳng thắn là một trong 4 cách xử lý những kẻ gây sự thụ động trong văn phòng. Ảnh minh họa: Unsplash.

Nói chuyện thẳng thắn là một trong 4 cách xử lý những kẻ gây sự thụ động trong văn phòng. Ảnh minh họa: Unsplash.

1. Đừng xem họ là những kẻ gây hấn thụ động

Việc quy chụp đồng nghiệp là một kẻ gây hấn thụ động sẽ khiến họ càng tức giận và đề phòng bạn hơn. Điều này sẽ khiến 2 người khó có thể có một hình thức giao tiếp tích cực.

2. Tập trung vào giải quyết vấn đề thay vì tranh cãi

Trước khi phản biện lại một nhận xét công kích gián tiếp, bạn nên đặt câu hỏi cho mình về những vấn đề đằng sau nhận xét đó như: Ý tưởng cơ bản đồng nghiệp đang muốn hướng đến là gì? Tại sao họ nghĩ mình làm việc không hiệu quả? Có vấn đề gì khiến họ không đồng ý với mục tiêu chung?

Nếu tập trung đào sâu vấn đề ẩn sau những nhận xét khó hiểu của đồng nghiệp, có thể, bạn sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề phù hợp với thực tế cũng như quan điểm của mọi người.

3. Tìm ra những gì người kia quan tâm

Dù không thể hiểu đầy đủ những gì đồng nghiệp muốn, bạn vẫn có thể tìm hiểu sở thích hay những gì họ quan tâm.

Sau đó, hãy thử kiểm tra lại nghi vấn của mình. GS Tâm lý học Gabrielle Adams gọi đây là phương pháp "kiểm tra giả thuyết": Hỏi một cách tôn trọng và không phán xét về những gì đang xảy ra.

Bà Gallo gợi ý bạn có thể hỏi đồng nghiệp một cách nhẹ nhàng như "Tôi nhận thấy rằng bạn đã không trả lời email của tôi. Có điều gì đó không ổn sao?".

4. Nói chuyện thẳng thắn về những gì đang diễn ra

Để thực hiện điều này, theo bà Gallo, bạn phải là người bám sát sự việc, không được phép suy đoán cảm tính hay phóng đại.

Bà Gallo gợi ý bước 1, bạn nên gặp đồng nghiệp và nói về trình bày tình trạng thực tế của đối phương: "Bạn bảo muốn tham gia dự án này nhưng không tham gia 3 cuộc họp, cũng không trả lời email".

Bước 2, cho đồng nghiệp biết hành động của họ đã ảnh hưởng đến bạn và công việc chung, đồng thời bày tỏ nguyện vọng muốn có sự giúp đỡ của đối phương: "Tôi thấy quá sức khi chạy dự án này một mình và rất cần sự giúp đỡ của bạn".

Cuối cùng, hãy đưa ra yêu cầu thẳng thắn: "Tôi hy vọng bạn vẫn muốn tham gia vào dự án. Nếu không, hãy nói rõ để tôi tìm cách thay thế".

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/8-kieu-nguoi-kho-ua-chon-van-phong-post1369071.html