8 người Mỹ thiệt mạng mỗi ngày vì tái xế phân tâm khi lái xe

Bất chấp số người chết hàng ngày như vậy, nhiều tài xế tiếp tục nhắn tin khi đang lái xe trên đường.

Tay trên vô-lăng, mắt nhìn đường

Tại sao người ta lại nhắn tin khi đang lái xe? Nếu bạn hỏi các thanh thiếu niên, một số người có thể phản bác là người lớn cũng làm như vậy. Và họ có lý. Trong một khảo sát toàn quốc ở Mỹ, các bậc cha mẹ được hỏi về hành động nhắn tin khi đang lái xe. Một nửa là các bà mẹ, nửa kia là các ông bố, tất cả đều đã lái xe chở con mình trong ba mươi ngày trước đó.

Khi được hỏi: “Anh chị có nghĩ vừa lái xe vừa nhắn tin là an toàn không?”, hầu hết đáp “không bao giờ.” Nhưng khi được hỏi về hành vi thực sự của họ, hầu hết thừa nhận từng đọc và soạn tin nhắn khi đang lái xe trong tháng qua. Kỹ thuật củng cố gián đoạn và những liều dopamine đã kiểm soát hành vi của họ dù họ biết là không nên.

 Ảnh minh họa. Nguồn: CBS Austin.

Ảnh minh họa. Nguồn: CBS Austin.

Để hỗ trợ các bậc cha mẹ, các bác sĩ nhi và y tá cần thường xuyên hỏi họ về hành vi nhắn tin khi đang lái xe chở con cái. Nhưng chỉ một phần tư các bậc cha mẹ trong cuộc thăm dò cho biết bác sĩ nhi của họ từng nhắc sơ qua chủ đề đấy.

Như đã đề cập, các tài xế bị phân tâm khiến ở Mỹ mỗi ngày có khoảng tám người thiệt mạng, tức mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với các vụ khủng bố. Bất chấp số người chết hàng ngày như vậy, nhiều tài xế tiếp tục nhắn tin khi đang lái xe trên đường. Có giải pháp nào không? Có một cách là viện tới những chiến lược như để điện thoại ở ngoài tầm nhìn và tầm với lúc ngồi trong xe hơi.

Cũng có những trang web nơi các cá nhân có thể chính thức cam kết hứa hẹn sẽ tập trung hoàn toàn vào đường sá và không dùng điện thoại khi lái xe hay thực hiện các hoạt động gây xao nhãng khác. Nhiều người đã viện tới chính công nghệ số để kháng cự lại thôi thúc nhắn tin trên đường và mua một ứng dụng phát hiện khi đang lái xe sẽ chặn mọi tin nhắn đến và đi, và đáp lại bằng tin nhắn tự động mà không thông báo cho tài xế.

Trong cuộc khảo sát toàn quốc nói trên, một phần năm các bậc cha mẹ cho biết có sử dụng một ứng dụng tự kiểm soát như vậy. Những ứng dụng này an toàn hơn so với điện thoại thông minh nhắn tin qua lệnh bằng lời nói. Tính năng nhắn tin bằng lời nói cho phép bạn giữ tay trên vô-lăng, nhưng tâm trí vẫn sẽ rời mặt đường. Tính năng này có thể tạo cảm nhận an toàn sai lạc.

Vấn đề an toàn không chỉ giới hạn trên mặt đường. Trong khi chuẩn bị hạ cánh ở Singapore, phi hành đoàn một chiếc Airbus A321 của hãng Jetstar nghe thấy tiếng báo tin nhắn đang đến trong điện thoại di động của cơ trưởng. Cơ phó, lúc bấy giờ đang cầm lái, đã liên tục nhắc cơ trưởng hoàn thành danh sách kiểm tra khi hạ cánh, nhưng cơ trưởng bận bịu với chiếc điện thoại và không trả lời. Máy bay đã phải bay thêm một vòng vì các thiết bị hạ cánh không được triển khai kịp.

Tâm trạng phân tâm do nhắn tin cũng được cho là yếu tố góp phần gây ra các vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Florida và Missouri. Ở Colorado, phi công và hành khách trên chiếc trực thăng Cessna 150 đã chụp hình selfie có dùng đèn flash vào buổi tối, và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ kết luận hành động đó đã góp phần vào vụ tai nạn diễn ra sau đấy, giết chết cả hai người trên máy bay. Để đối phó, một số nước đã cấm phi công sử dụng thiết bị điện tử vì mục đích cá nhân khi đang làm nhiệm vụ.

Gerd Gigerenzer/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/8-nguoi-my-thiet-mang-moi-ngay-vi-tai-xe-phan-tam-khi-lai-xe-post1494074.html