8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Đồng Nai
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) đã điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Đồng Nai.
Trong 8 người này có 1 người là bạn của bệnh nhân hiện cư trú tại tỉnh Bình Dương, và cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ.
Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Những người tiếp xúc gần nơi cư trú của ca bệnh tại TP. Hồ Chí Minh hiện sức khỏe ổn định, không xuất hiện triệu chứng bất thường; đã được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày. Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.
Đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới, ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Mỹ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc và sau đó bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo rải rác.
Từ tháng 5/2023 dịch có diễn biến bất thường, lan ra nhiều quốc gia. Thời gian ủ bệnh từ 6 - 13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5 - 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.
Các triệu chứng thường thấy như: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần.
Nước ta, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể tử vong).