8 người trẻ dưới 30 tuổi và cách để 'tiền đẻ ra tiền'

Dưới 30 tuổi, nhiều người đầu tư qua những kênh an toàn như gửi ngân hàng, mua vàng, ngoại tệ. Một số khác lựa chọn cách thức rủi ro hơn như bất động sản hoặc kinh doanh.

Dưới 30 tuổi, nhiều người đầu tư qua những kênh an toàn như gửi ngân hàng, mua vàng, ngoại tệ. Một số khác lựa chọn cách thức rủi ro hơn như bất động sản hoặc kinh doanh.

_____

Các kênh đầu tư không cần nhiều vốn như gửi ngân hàng, vàng, ngoại tệ, chứng khoán được nhiều người trẻ ưa chuộng. Bên cạnh đó, với những ai đã tích lũy được nhiều hơn, họ thường lựa chọn rót tiền vào bất động sản hoặc kinh doanh nhà hàng, thời trang.

Không phải kênh đầu tư nào cũng mang lại lợi nhuận, song, người trẻ thường rút ra nhiều bài học và trải nghiệm đắt giá khi học cách đầu tư sớm.

Zing Lifestyle trò chuyện với 8 người trẻ dưới 30 tuổi về những danh mục đầu tư của họ cũng như quan điểm, góc nhìn và phương pháp quản lý các khoản đầu tư của mình.

Tôi không phải là người giỏi quản lý tài chính cá nhân, cũng không biết cách đầu tư vào các kênh khác nhau.

Nhiều lần được bạn bè rủ chơi chứng khoán, tôi chỉ lắc đầu vì không biết nhìn bảng điện, cũng không biết đọc báo cáo tài chính và quan trọng nhất là tâm lý sợ lỗ.

Nhiều năm đi làm, tôi duy trì duy nhất một kênh đầu tư là gửi ngân hàng. Trung bình, mỗi tháng tôi gửi nhà băng khoảng 8 triệu đồng với lãi suất khoảng 7%/năm.

Gửi ngân hàng khiến tôi an tâm về khoản tiền mình dành dụm, tránh cảm giác sợ mất tiền khi tham gia các kênh đầu tư khác như chứng khoán, kinh doanh.

Hiện tại, tôi có 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.

Tôi bắt đầu đầu tư từ năm 24 tuổi thông qua kênh chứng khoán. Số tiền tôi bỏ ra ở thời điểm đó vào khoảng 50 triệu đồng, tương đương 1/2 tổng tài sản.

Sau nhiều năm đi làm và có tích lũy, tôi nhận ra bản thân không thể đạt được các mục tiêu tài chính bằng duy nhất một kênh đầu tư.

Năm 26 tuổi, tức cuối năm 2019, tôi cùng bạn chung vốn mở một quán cà phê nhỏ. Số vốn tôi bỏ ra cho dự án start-up này là 70 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ sau đó 5 tháng, chúng tôi phải đóng quán do dịch Covid-19.

Chi phí đầu tư không lớn nên tôi không bị khủng hoảng sau lần thất bại này. Sau khi trả mặt bằng, thanh lý các món đồ, tôi lỗ 30 triệu đồng.

Hiện tại, tôi và nhóm bạn của mình đã mở lại quán cà phê ở một khu phố khác, tôi rót vào đây 100 triệu đồng. Quán mang về cho tôi nguồn thu khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng.

Giữa năm 2022, được sự hỗ trợ của gia đình khoảng 500 triệu đồng và vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng, tôi mua một căn hộ chung cư giá 2,7 tỷ đồng. Căn hộ này ngoài để ở, tôi xem là kênh đầu tư an toàn bởi giá chung cư Hà Nội tăng ổn định khoảng 10-15% trong các năm qua. Tiền thu từ quán cà phê cơ bản đủ để tôi trả lãi ngân hàng khi mua nhà.

Ngoài bất động sản và quán cà phê, tôi vẫn giữ 100 triệu đồng trong kênh chứng khoán.

Tôi đặt mục tiêu trả hết nợ mua nhà vào năm 2025. Nếu công việc và thị trường thuận lợi, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào bất động sản hoặc mở thêm quán.

Khẩu vị đầu tư của tôi là những kênh an toàn, thanh khoản cao, do đó tôi luôn từ chối tham gia vào những danh mục mạo hiểm như tiền số mặc dù biên độ lợi nhuận có thể rất lớn so với số tiền ban đầu bỏ ra.

Thời gian đầu đi làm, tôi duy trì cho mình thói quen tích góp hàng tháng, gửi ngân hàng để nhận lãi kép.

Làm công việc thiết kế đồ họa, tôi may mắn có nhiều hợp đồng bên ngoài. Từ đó, tôi đặt ra cho mình nguyên tắc dùng lương để đầu tư, còn khoản thu nhập phụ sẽ dùng để chi trả sinh hoạt phí hàng tháng.

Với những tháng ổn định, không cần đụng vào tiền lương, tôi sử dụng toàn bộ 20 triệu đồng để vừa mua vàng, mua ngoại tệ và gửi ngân hàng. Tôi biết vàng hay ngoại tệ không phải là kênh đầu tư sinh lời nhanh, nhưng cũng không có biến động mạnh ảnh hưởng đến số vốn ban đầu bỏ ra.

Năm 2022 vừa qua, tôi đã rút 250 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình để góp một phần nhỏ cùng gia đình đầu tư một mảnh đất tại TP Thủ Đức với mục đích xây nhà và cho thuê lại dài hạn.

Tôi mở một studio trên khu đất của gia đình. Tổng tiền tôi đầu tư để đi học chụp ảnh, photoshop, set up studio, mua thiết bị và đồ dùng trang trí… là 600 triệu đồng. 50% số tiền này tôi được anh trai hỗ trợ, 50% còn lại bố mẹ đứng tên để vay ngân hàng giúp tôi.

Ưu điểm của tôi là có một studio rộng rãi, mặt tiền rộng, nằm dọc theo quốc lộ. Tôi và bố mẹ đều là người quảng giao, có nhiều mối quan hệ. Ngoài ra, ở địa phương của tôi, không có nhiều studio đi theo phong cách hiện đại, phần lớn chụp ảnh theo kiểu truyền thống.

Tuy nhiên, điểm yếu của tôi là còn khá trẻ, chưa biết cách quản lý dòng tiền, thời gian hiệu quả.

Tôi hiểu rõ thế mạnh và điểm yếu của bản thân nên thời gian đầu, tôi đã nhờ mẹ quản lý giúp dòng tiền vào-ra. Mẹ tôi cũng hỗ trợ chăm sóc khách hàng, quản lý lịch làm việc cho tôi.

Nhờ đó, suốt 3 năm từ ngày mở studio, tôi gần như không gặp khó khăn nào, ngoại trừ việc thường xuyên mất ngủ, ngủ thiếu giấc. Mùa cao điểm như Tết, ngày lễ, có ngày tôi chỉ ngủ 1-2 tiếng. Đổi lại, tôi đã trả được 80% số nợ ban đầu và có tiền để mua sắm, thay đổi các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ quay chụp, cũng như váy cưới, vest, áo dài…

Ngoài chụp ảnh, tôi cũng trade coin (giao dịch tiền điện tử) khi có thời gian rảnh rỗi. Tôi thường mua vào, bán ra liên tục khi thị trường có xu hướng đi lên, có tháng tôi lãi 5-7 triệu đồng nhưng cũng có tháng lỗ 3-5 triệu đồng.

Tôi cho rằng coin là kênh đầu tư mạo hiểm nên không rót nhiều tiền vào đây, cũng không dành nhiều thời gian cho thị trường này. Tôi chơi với mục đích mở rộng hiểu biết là chính.

Tôi vừa nghỉ công việc hành chính tại văn phòng, chuyển sang đầu tư vào việc kinh doanh thời trang. Bên cạnh đó, tôi tham gia lớp học đầu tư chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao để nắm được kiến thức.

Thành thật, với tôi mọi thứ còn quá mới mẻ.

Kết thúc công việc "9am to 5pm", tôi có trong tay vỏn vẹn 100 triệu đồng. Đây không phải là số tiền tôi chủ động tích góp, chỉ là khoản dư ra mỗi tháng sau khi tiêu xài. Đến lúc nghỉ việc, tôi mới nhận ra tư duy sai lầm của mình với đồng tiền.

Vốn ít, tôi và bạn chỉ có thể hùn hạp mở một cửa hàng online bán giày second-hand. Ban đầu, mỗi người bỏ ra 50 triệu đồng để nhập hàng, chạy quảng cáo và trang trải các chi phí marketing khác. 50 triệu đồng còn lại, tôi dành ra 15 triệu đồng để tham gia khóa học đầu tư.

35 triệu đồng còn trong tài khoản, tôi chỉ mới dám bỏ ra 10 triệu đồng để "thực hành", mua một vài mã cổ phiếu an toàn, tiềm năng cao. Còn 20 triệu đồng, tôi xem đó là khoản phòng thân.

Trước mắt, tôi chưa có được doanh thu từ việc bán hàng, lại còn lỗ 5% số tiền đầu tư chứng khoán, song tôi biết mình không cần phải vội vã. Sống cùng gia đình trong giai đoạn kinh tế khó khăn khiến tôi yên tâm hơn phần nào.

Năm 2020, tôi đi thực tập có lương 1,5 năm tại Đan Mạch. Khoảng thời gian thực tập này giúp tôi tiết kiệm được gần 600 triệu đồng.

Cuối năm 2021 tôi về nước, dùng 100 triệu đồng đầu tư vào chứng khoán theo lời rủ rê của bạn bè. Thị trường lên xuống thất thường, tôi lại không có nhiều kiến thức nên đã bỏ lỡ những giai đoạn chốt lời và cắt lỗ tốt. Kết quả, hiện tại tài khoản của tôi chỉ còn 70 triệu đồng.

Tôi cũng dùng 100 triệu đồng để đầu tư vào các khóa học như học về tài chính, doanh nghiệp, tiếng Anh, MC, makeup…

Quả thực “học sẽ ấm vào thân”, tôi cho rằng đây là các khoản đầu tư đúng đắn nhất cho bản thân ở thời điểm hiện tại.

Sau khi dùng tiền đầu tư chứng khoán và các khóa học, tôi còn khoảng 380 triệu đồng. Số tiền này tôi gửi ngân hàng.

Bài học đầu tư vào chứng khoán giúp tôi hiểu ra rằng chúng ta không thể kiếm tiền nếu chỉ trông chờ vào vận may. Tôi không thể không lỗ khi đầu tư vào một lĩnh vực mà bản thân không có chút hiểu biết nào.

Nhớ lại giai đoạn lúc mới bắt đầu đầu tư chứng khoán, tôi thậm chí không nhớ nổi mã cổ phiếu, không nắm được doanh nghiệp mình đầu tư đang hoạt động ở lĩnh vực gì, không biết doanh nghiệp đang làm ăn ra sao. Tôi mua - bán theo lời hô gọi của bạn bè - những người tầm hiểu biết không khác tôi là mấy.

Hiện tại, tôi đã có nhiều kiến thức hơn về thị trường tài chính, tuy nhiên đó vẫn chưa đủ để bản thân rót thêm tiền vào kênh chứng khoán. Tôi sẽ duy trì đầu tư với số tiền 70 triệu đồng còn lại. Khi nào cảm thấy tự tin hơn, tôi sẽ dồn thêm tiền vào mảng này.

Tôi sống tại Sydney (Australia) được 6 năm. Trước khi tốt nghiệp, tôi đã vào làm điều dưỡng tại một bệnh viện địa phương, thu nhập trung bình 52.000 AUD/năm (khoảng 800 triệu đồng).

Trừ đi chi phí sinh hoạt, mỗi tháng, tôi dư ra hơn 40 triệu đồng. Tôi chỉ gửi ngân hàng một nửa xem như khoản đầu tư có lợi nhuận an toàn. Số tiền còn lại tôi gửi về cho gia đình.

Bố mẹ tôi không muốn dùng tiền con gái gửi về, nên quyết định mua vàng mỗi tháng để tích góp nhằm mục đích khi tôi về nước sẽ có một số vốn ổn định để làm ăn, kinh doanh.

Thấy đây là lời khuyên hợp lý nên tôi đồng ý. Nhiều năm qua, tôi và bố mẹ đều duy trì việc mua vàng và gửi tiết kiệm. Tôi cũng không phải quá bận tâm hay nghĩ nhiều đến việc lời lãi hay thua lỗ, thay vào đó, tôi dành thời gian để làm việc và tận hưởng cuộc sống.

Tôi từng cảm thấy mình không phải là người nhanh nhạy với thị trường tài chính. Tuy nhiên, tôi coi việc đầu tư là điều phải học và làm trước năm 30 tuổi. Đầu tư giúp tôi hiểu về sự vận động của nền kinh tế, có kiến thức, nhu cầu học hỏi và trau dồi hiểu biết mỗi ngày.

Sau 6 năm đi làm, tôi có khoảng 300 triệu đồng. 1/2 số này, tôi đầu tư vào chứng khoán với tầm nhìn trung-dài hạn. 1/2 còn lại, tôi chia nhỏ và gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng khác nhau.

Về kênh chứng khoán, sở dĩ tôi đầu tư dài hạn vì bản thân không có nhiều thời gian để xem bảng điện tử liên tục. Việc mua - bán thường xuyên cũng khiến tôi mệt mỏi và áp lực.

Sau 5 năm đầu tư chứng khoán, tính trung bình tôi lãi khoảng 5% mỗi năm - thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Dù vậy, tôi vẫn hài lòng với kênh đầu tư này bởi nó cho tôi nhiều trải nghiệm và bài học giá trị về sự biến động của nền kinh tế trong nước, thế giới.

Lâm Tùng - Mỹ Trinh

Đồ họa: Hina

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/8-nguoi-tre-duoi-30-tuoi-va-cach-de-tien-de-ra-tien-post1443845.html