8 quốc gia sử dụng nội tệ Trung Quốc nhiều hơn đồng đôla Mỹ

Lo ngại về sự thống trị của đồng USD (Mỹ), Nga và Saudi Arabia là hai trong số nhiều nước sử dụng, giao thịch thương mại và lưu trữ đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc).

Như đã thực hiện trong nhiều năm, Bắc Kinh tiếp tục gửi đi một thông điệp rõ ràng: việc tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt khi đối mặt với quyền bá chủ của đồng đôla Mỹ.

Động thái này liên quan đến những nỗ lực nhằm nâng cao sức hấp dẫn của đồng Nhân dân tệ như một phương tiện thay thế trong thương mại quốc tế và một loại tiền tệ dự trữ.

 Vào tháng 3, đồng Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất cho các giao dịch xuyên biên giới ở Trung Quốc, lần đầu tiên vượt qua đồng đôla. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 3, đồng Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất cho các giao dịch xuyên biên giới ở Trung Quốc, lần đầu tiên vượt qua đồng đôla. Ảnh: Reuters.

Kết quả, Trung Quốc đã ghi nhận kỷ lục tỷ lệ đồng nội tệ được sử dụng trong tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối và tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương ngày càng tăng.

Mặc dù đáng kể, những tiến bộ này vẫn còn khá khiêm tốn khi so sánh với sự phổ biến của đồng đôla Mỹ - được sử dụng trong khoảng 90% giao dịch ngoại hối trên toàn thế giới, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia bán phá giá tín phiếu Kho bạc Mỹ, tăng dự trữ vàng và giải quyết thương mại song phương bằng đồng nội tệ.

Vào tháng 3, đồng Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất cho các giao dịch xuyên biên giới ở Trung Quốc, lần đầu tiên vượt qua đồng đôla.

Nga

Sau khi tấn công Ukraine, nền kinh tế Nga đã bị thiệt hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tình hình này buộc Moscow phải sử dụng đồng Nhân dân tệ rộng rãi hơn khi các biện pháp kiềm chế do Washington dẫn đầu đã hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với đồng đô la Mỹ.

Trong năm qua, Nga đã sử dụng đáng kể đồng Nhân dân tệ sau làn sóng trừng phạt tài chính khiến gần một nửa dự trữ ngoại tệ của nước này bị đóng băng và các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hỗ trợ thanh toán quốc tế (SWIFT).

Theo ước tính của Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại London: “Việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài ở Nga đã tăng từ dưới 0,26% vào năm 2020 lên 2,57% vào tháng 1”.

 Nội tệ của Trung Quốc (trên) và nội tệ của Nga (dưới). Ảnh: Internet.

Nội tệ của Trung Quốc (trên) và nội tệ của Nga (dưới). Ảnh: Internet.

Tháng 9/2022, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga tuyên bố họ đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để giải quyết các khoản thanh toán cho việc cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, các công ty khác của Nga, bao gồm nhà sản xuất vàng hàng đầu Polyus, cũng đã bắt đầu vay bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường trái phiếu.

Vào tháng 10/2022, đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đôla Mỹ để trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow.

Trong tháng 4/2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 153,09%, trong khi nhập khẩu tăng 8,06%.

Nga được cho là có khả năng bắt đầu mua ngoại tệ, bao gồm cả đồng nhân dân tệ, để bổ sung dự trữ ngoại hối trong tháng này, đây sẽ là động thái đầu tiên của quốc gia này kể từ cuối tháng 2/2022.

Saudi Arabia

Các báo cáo vào tháng 3 cho thấy Saudi Arabia đang xem xét chấp nhận đồng Nhân dân tệ thay vì đôla Mỹ giao dịch trong các thương vụ dầu mỏ.

Điều này được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 12 rằng cần có một mô hình hợp tác năng lượng mới, đồng thời kêu gọi thúc đẩy vai trò của đồng Nhân dân tệ như một loại tiền tệ trong giao dịch dầu mỏ và khí đốt.

Ông Tập cho biết nền tảng Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải sẽ được sử dụng đầy đủ để thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch dầu khí.

Argentina

Cuối tháng 4, Argentina sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ thay vì đôla Mỹ.

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng kinh tế Argentina Sergio Massa với đại sứ Trung Quốc Zou Xiaoli và các công ty của nền kinh tế thứ hai thế giới.

 Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa. Ảnh: AFP.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa. Ảnh: AFP.

Ông Sergio Massa cho biết thêm Argentina đã sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán cho lô hàng nhập khẩu trị giá 1,04 tỷ đôla Mỹ của Trung Quốc vào tháng 4. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đang nhắm mục tiêu nhập khẩu hàng hóa trị giá 790 triệu đôla Mỹ mỗi tháng kể từ tháng Năm.

Trong khi đó, quốc gia lớn thứ hai ở Nam Mỹ đang cố gắng duy trì nguồn dự trữ đôla Mỹ sau đợt hạn hán lịch sử làm giảm xuất khẩu 15 tỷ đô la Mỹ, bao gồm cả từ lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của nước này.

Các nhà kinh tế tại Natixis cho biết vào cuối tháng 4: “Quyết định nghiêng về đồng Nhân dân tệ của nền kinh tế lớn thứ ba ở Mỹ Latinh chắc chắn sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”.

Tuy nhiên: “Động thái này nhiều khả năng được thúc đẩy bởi sự năng động trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Argentina, nơi mà đồng đôla đang thiếu hụt trong khi đồng Nhân dân tệ dễ tiếp cận hơn”.

Vào tháng 1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Argentina thêm 35 tỷ nhân dân tệ (5 tỷ USD) lên 165 tỷ nhân dân tệ.

Brazil

Brazil đã bắt đầu chấp nhận các khoản thanh toán thương mại và đầu tư bằng đồng Nhân dân tệ, với một thỏa thuận đã đạt được giữa các ngân hàng trung ương vào tháng 2.

Năm 2022, tài sản ngoại hối bằng đồng Nhân dân tệ của Brazil đạt mức cao 5,37% trên tổng số, vượt qua tài sản bằng đồng euro để trở thành tài sản lớn thứ hai.

 Brazil và Trung Quốc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong thương mại. Ảnh: Internet.

Brazil và Trung Quốc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong thương mại. Ảnh: Internet.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi khối BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – giải quyết thương mại và đầu tư song phương bằng đồng tiền của họ.

Brazil là đối tác thương mại lớn thứ mười của Trung Quốc, với giá trị thương mại song phương tăng 4,9% lên 171,5 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Công ty Suzano của Brazil, nhà sản xuất bột gỗ cứng lớn nhất, đang xem xét bán sản phẩm của mình sang Trung Quốc với giá bằng đồng Nhân dân tệ, Giám đốc điều hành Walter Schalka của công ty này cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ trụ sở chính của Bloomberg ở New York vào đầu tháng Năm.

Bangladesh

Bangladesh và Nga đã đồng ý sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán khoản thanh toán cho một nhà máy hạt nhân mà Moscow đang xây dựng ở quốc gia Nam Á này, một quan chức chính phủ Bangladesh cho biết hồi tháng Tư.

Uttam Kumar Karmaker, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Bangladesh, cho rằng Nga muốn khoản thanh toán được thực hiện bằng đồng rúp, "nhưng điều đó là không thể đối với chúng tôi".

Dhaka đã không thể thanh toán cho Moscow bằng đôla Mỹ sau khi Nga bị cấm truy cập vào hệ thống chuyển tiền quốc tế Swift vào năm ngoái.

Pakistan

Pakistan có thể bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ để mua dầu thô của Nga, với lô hàng thử nghiệm 750.000 thùng sẽ được chuyển đến vào tuần đầu tiên của tháng Sáu.

 Cho đến nay, Pakistan mới chỉ đặt mua một lô hàng dầu thô từ Nga, dự kiến sẽ đến quốc gia này trong tháng này. Ảnh: Oilprice.

Cho đến nay, Pakistan mới chỉ đặt mua một lô hàng dầu thô từ Nga, dự kiến sẽ đến quốc gia này trong tháng này. Ảnh: Oilprice.

Tờ News International có trụ sở tại Pakistan, một nhật báo nổi tiếng bằng tiếng Anh, vào ngày 5/5 đã trích dẫn một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ năng lượng cho biết: “Pakistan sẽ mua lô hàng dầu thô bằng đồng tiền của Trung Quốc”.

Iraq

Hồi tháng 2/2023, ngân hàng trung ương Iraq tuyên bố sẽ cho phép thanh toán hàng nhập khẩu của khu vực tư nhân bằng đồng Nhân dân tệ. Đồng thời, ngân hàng sẽ cung cấp tiền Trung Quốc cho những người cho vay ở Iraq để thanh toán cho các đối tác Trung Quốc của họ.

Mudhir Salih, cố vấn kinh tế của Chính phủ, cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc thanh toán hàng nhập khẩu bằng đồng nhân dân tệ, sau khi trước đó chỉ dựa vào đồng đôla Mỹ.

Nhưng động thái của ngân hàng trung ương Iraq sẽ không bao gồm giao dịch dầu mỏ của nước này, theo Salih, người được Reuters trích dẫn.

Thái Lan

Tờ Bangkok Post đưa tin vào cuối tháng 4 rằng Ngân hàng Thái Lan và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán về hợp tác bổ sung để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ-baht cho thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc và Thái Lan đã gia hạn Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương nhân dân tệ-baht vào tháng 1 năm 2021, tờ báo đưa tin.

Thỏa thuận này nhằm mục đích thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng đồng nội tệ và tăng cường hợp tác tài chính giữa hai nước.

Điệp Nguyễn (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/8-quoc-gia-su-dung-noi-te-trung-quoc-nhieu-hon-dong-dola-my-post247238.html