8 quy tắc gia đình của một người mẹ được nhiều phụ huynh học hỏi
Nhờ 8 quy tắc gia đình này khiến con cái ngày càng có tính tự giác cao, cha mẹ ít phải lo lắng hơn.
Muốn con nên người, trong gia đình cần có những quy tắc rõ ràng mà cả cha mẹ và con cái đều thống nhất tuân thủ. Dưới đây là một số quy tắc gia đình của một người mẹ giấu tên ở Trung Quốc gây sốt trong thời gian gần đây.
1. Cả nhà thức dậy lúc 6 giờ mỗi ngày để đọc sách
Nhiều bậc cha mẹ luôn phàn nàn con cái mình lười biếng, nhác học, đầy rẫy thói quen xấu. Thế nhưng, họ quên mất rằng chính bản thân mình cũng không thể dậy sớm, lười đọc sách, vứt đồ đạc lung tung trong nhà...
Theo đó, người mẹ này dù hôm trước có ngủ muộn như the nào đi chăng nữa cũng sẽ dậy đúng 6h sáng hôm sau để cùng đọc sách với con gái. Buổi tối sau khi về nhà, cô không xem TV hay chơi điện thoại di động, thay vào đó, cô cùng luyện viết chữ với con. Ngày qua ngày, thành tích của các con cô tiến bộ rất nhanh.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mọi người có trí nhớ tốt hơn vào sáng sớm. Dậy sớm đọc sách không những có thể ghi nhớ hết các kiến thức mà còn cải thiện trí nhớ.
2. Tự dọn dẹp đồ của mình
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn về kinh nghiệm nuôi dạy con cái của mình. Theo đó, trong số 9 nguyên tắc thì có 4 cái liên quan tới việc nhà, đó là:
- Dọn dẹp giường ngủ của mình gọn gàng.
- Tự làm việc của mình như tự rót sữa, tự gấp chăn, đặt đồng hồ báo thức, tự mình thức dậy và mặc quần áo.
- Giữ phòng đồ chơi sạch sẽ.
- Giúp bố mẹ làm việc nhà sẽ nhận 1$ mỗi tuần.
Nhà giáo dục Suhomlinsky cũng nhấn mạnh: "Lao động đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ. Trí tuệ của trẻ em nằm trong tầm tay của chúng".
Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ, đặc biệt là các ông bố, phải làm gương, khuyến khích con cái làm những việc của mình. Ngoài việc giúp trẻ có được kỹ năng sống, nó còn có thể nâng cao tinh thần trách nhiệm của trẻ.
3. Trước khi vào nhà, hãy "phủi bụi" trên người
Có một "hiệu ứng đá mèo" nổi tiếng trong tâm lý học:
Một người cha bị sếp ở công ty chỉ trích, về nhà tâm trạng không tốt, nhìn thấy con mình nhảy nhót trên ghế sofa nên tức giận mắng con. Đứa trẻ cảm thấy khó chịu, quay lại và đá con mèo đang ngủ bên cạnh. Con mèo bỏ chạy ra khỏi nhà, đúng lúc một chiếc xe tải đang lao tới thì tài xế vội tránh nhưng không may tông vào đứa trẻ bên đường.
Tâm trạng xấu có tính lây lan. Khi cha mẹ mang tâm trạng không tốt về nhà, con cái thường là người phải gánh chịu sự trút giận của cha mẹ. Vì thế, cha mẹ sau khi tan làm, dù bực bội như thế nào cũng nhớ "phủi bụi" trên người, đừng đổ lên đầu người thân trong gia đình. Nếu làm được điều này, bạn sẽ thấy trong nhà ít xảy ra tranh cãi, con cái vui vẻ hơn.
4. Không mang thiết bị điện tử lên giường ngủ
Trong một cuộc khảo sát trên đường phố, một phóng viên đã hỏi một số học sinh tiểu học: "Việc đầu tiên bố mẹ các em làm khi về đến nhà là gì?"
Thật bất ngờ, câu trả lời của nhiều đứa trẻ lại nhất quán một cách đáng ngạc nhiên: "Dùng điện thoại ạ".
Một số cha mẹ dùng điện thoại khi đang ăn, khi đi vệ sinh, khi nằm trên giường ngủ, khi con cái đang làm bài tập về nhà, khi đang chơi với con... Đừng trách con cái nghiện điện thoại khi bản thân cha mẹ cũng là người không thể rời chiếc điện thoại trong tay.
Cha mẹ muốn quản lý con cái, trước tiên phải kiểm soát được chính mình. Ngày thường, cha mẹ không mang các sản phẩm điện tử lên giường ngủ, không "kè kè" mọi lúc mọi nơi, thay vào đó giới hạn thời gian sử dụng khi ở nhà và chỉ dùng ở phòng khách.
5. Tập thể dục nửa tiếng mỗi ngày
Yang Xia, chuyên gia tâm lý tại Trường Cao đẳng Y tế Liên minh Bắc Kinh, Trung Quốc đã điều trị cho hơn 100.000 trẻ em có vấn đề trong 30 năm qua và nhận thấy rằng: "Nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều trẻ kém tập trung, trì hoãn và không thích học tập là do thiếu vận động và lao động".
Dù bận rộn đến đâu trong công việc, cha mẹ cũng không nên bỏ qua tầm quan trọng của việc cho con đi tập thể dục.
Đối với trẻ ở bậc tiểu học, cha mẹ có thể cùng con ra ngoài chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia một số môn thể thao đối kháng đơn giản như chơi bóng bàn, cầu lông...
Đối với trẻ đang học cấp 2 và cấp 3, phụ huynh có thể lựa chọn bóng đá, bóng rổ, bơi lội… tùy theo sở thích của con.
6. Giải quyết mâu thuẫn dứt điểm, không để qua đêm
Trong một gia đình, cha mẹ và con cái không thể tránh khỏi có những lúc xảy ra mâu thuẫn. Điều quan trọng nhất là dù vấn đề nhỏ hay lớn cũng phải giải quyết ngay trong dài, không thể để qua đêm, càng tối kỵ hơn là nhắc đi nhắc lại chuyện đó sau này.
Trong cuộc sống, điều con cái cần nhận ra là không phải việc tranh cãi để xem ai đúng ai sai, đặc biệt gia đình không phải là đấu trường. Nếu để cha mẹ và con cái ôm nỗi uất ức và tức giận qua đêm, không giải quyết những mâu thuẫn cũ, gia đình sẽ không vui vẻ và luôn trong tình trạng căng thẳng.
7. Nếu làm sai phải biết nhận lỗi
Nhà văn Mark Twain có một quy tắc gia đình: "Nếu con mắc lỗi, chúng phải bị trừng phạt tương ứng. Con có thể tự đề xuất hình phạt cho mình và tuân thủ nếu được sự đồng ý của cả gia đình".
Một ngày nọ, vợ chồng Mark Twain đang chuẩn bị đưa các con đi du lịch đến một trang trại gần đó, không ngờ trước khi khởi hành, cô con gái lớn đã cãi nhau với em gái rồi đánh nhau.
Cô con gái lớn nhanh chóng nhận ra sự bốc đồng của mìn, chủ động thừa nhận sai lầm của mình với bố mẹ. Theo quy định của gia đình, con gái lớn phải nhận hình phạt.
Sau khi do dự hồi lâu, cuối cùng nói xin lỗi và nói hôm nay sẽ ở nhà, chấp nhận không đi du lịch dù chuyến đi này mình đã mong đợi từ rất lâu.
Mark Twain cảm thấy có lỗi với cô con gái lớn và khuyên con gái có thể chọn hình phạt khác.
Nhưng cô bé nói: "Con phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, để con luôn ghi nhớ những lỗi lầm đã gây ra".
Dạy trẻ xin lỗi kịp thời khi làm sai, giao tiếp hiệu quả với người khác để trẻ trở thành người có trách nhiệm và được mọi người yêu mến sau này.
8. Họp gia đình thường xuyên
Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống như thế này chưa?
Đôi khi, con cái có thái độ xa cách với chuyện của mình, dù cha mẹ có giận dữ đến thế nào thì chúng vẫn thờ ơ?
Cuốn sách "Kỷ luật tích cực" có nhắc đến một câu chuyện như vậy:
Có một thời gian, các con của bác sĩ Jane Nelson cứ ném đồ chơi khắp nơi. Ngay cả khi bác sĩ ra lệnh nhiều lần, bọn trẻ vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, vị bác sĩ này quyết định tổ chức họp gia đình, xem xét cùng nhau để giải quyết tình trạng này.
Không ngờ sau cuộc họp, bọn trẻ lại vui vẻ chấp nhận những quy tắc được đưa ra sau khi thảo luận, chúng không những biết kiềm chế bản thân mà còn giám sát người khác.
Cha mẹ có thể tổ chức một cuộc họp gia đình vào các ngày trong tuần, đưa ra các vấn đề cần giải quyết, thống nhất và tuân thủ làm.