8 quy tắc giúp giữ lửa hôn nhân khi vợ chồng cãi nhau
Cãi nhau với bạn đời là cả một nghệ thuật. Làm sao để sau cuộc tranh cãi, những gì người này để lại trong lòng người kia không phải sự tổn thương mà là cảm giác yêu và trân trọng, thấy hiểu nhau nhiều hơn….
Vợ chồng dù hòa hợp, hạnh phúc đến mấy cũng khó tránh khỏi những bất đồng, những lúc cãi nhau. Chính thái độ lúc mâu thuẫn sẽ quyết định cuộc hôn nhân ấy có bền lâu hạnh phúc hay không. Nếu vợ cứ cố giành phần hơn, cố lớn tiếng hòng lấn át chồng dù mình “sai rành rành” thì đổ vỡ hôn nhân là điều khó tránh khỏi.
Vậy nên, để giữ lửa hôn nhân, để mái ấm luôn nồng đượm phụ nữ chỉ cần thuộc lòng 5 quy tắc khi vợ chồng cãi nhau này.
“Tuyên chiến” nhẹ nhàng
Các nhà khoa học đã tìm ra rằng, kết quả của một cuộc xung đột có thể được quyết định rất nhiều từ cách nó bắt đầu trong 3 phút đầu tiên. Hãy chọn tông giọng và những lời lẽ không mang tính chất đổ lỗi hay tấn công. Thay vì nói “anh bảo tôi 1 tiếng nữa anh về, đến giờ thì bữa tối cũng chẳng còn thời gian mà ăn nữa” hãy nói “em vui vì thấy anh về, em cứ mong anh về sớm hơn. Có chuyện gì đột xuất xảy ra à?”.
Không cãi nhau chốn đông người
Dù giận nhau đến mấy thì người vợ cũng đừng dại dột cãi nhau với chồng chốn đông người. Khi ấy, bạn không chỉ khiến chồng mất mặt, xấu hổ với những người xa lạ mà còn khiến anh ấy chán ghét bạn đến cùng cực. Một khi lòng tự trọng bị tổn thương, đàn ông sẽ không thể kiểm soát cảm xúc của mình mà nói ra những lời khó nghe hay thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ để thể hiện uy quyền.
Lúc đấy, mâu thuẫn chẳng thế giải quyết mà còn khiến tình hình tồi tệ hơn. Thế nên, phụ nữ hãy cố kiềm chế, chờ đến khi về nhà rồi hẵng đóng cửa bảo nhau. Có như thế thì hai bạn mới đủ bình tĩnh để nhìn nhận về sai lầm của mình, đủ thời gian để cân nhắc đúng sai.
Không cãi nhau trước mặt con cái
Con cái cần được lớn lên trong một gia đình ấm êm, hòa thuận. Nếu vô tình biến con thành nhân chứng cho những trận cãi vã, chứng kiến bố mẹ hét vào mặt nhau sẽ gây nên những tổn thương không bao giờ lành lặn trong tâm hồn bé.
Thậm chí, những thương tổn ấy còn khiến đứa trẻ lớn lên trong tự ti vì mình có một gia đình không hạnh phúc.
Đặt câu hỏi
… để hiểu điều gì là quan trọng với chồng, vì sao, và anh ấy nghĩ bạn nên giải quyết vấn đề thế nào. Những lời hỏi han cho thấy bạn đang quan tâm đến nhu cầu của nửa kia và câu trả lời của anh ấy có thể đưa cho bạn thông tin nhằm giải quyết vấn đề.
Chỉ nói đúng ý của bạn
Nhiều người nói năng thiếu kiềm chế trong lúc tức giận để rồi sau đó lại phải ân hận vì “tôi không có ý đó”.
Hãy chỉ nói đúng “ý” của bạn thôi, để tránh tối đa việc gây ra cho nhau những hiểu lầm, sự thất vọng không đáng có, vì nửa kia không phải là bạn, họ không thể đoán được những ẩn ý từ lời bóng gió xa xôi của bạn. Phụ nữ cứ hay nói vòng vo mà không đi thẳng vào vấn đề, rồi lại thất vọng vì chồng không hiểu họ.
Không cãi nhau vô cớ
Nghe có vẻ phi lý nhưng thực chất rất nhiều cặp vợ chồng đã cố ý gây chuyện với nhau chỉ để xả những bực dọc trong người. Họ trút hết những ưu phiền, khó chịu và căng thẳng lên bạn đời mà không hề thấy tội nghiệp đối phương.
Phụ nữ khôn ngoan cần tránh xa sai lầm tai hại này. Bởi lẽ, sự vô cớ có thể được bỏ qua lần đầu, nhưng nếu cứ buông tuồng thì đối phương sẽ cáu gắt mà phản ứng lại. Lúc đấy, dù muốn bạn cũng không thể cứu vãn tình hình.
Hãy bình tĩnh hỏi chồng xem anh ấy có chuyện gì không vui, bạn đã làm điều gì khiến chồng phật lòng và ôm lấy anh ấy. Khi cảm nhận được mình đang được chia sẻ, thấu hiểu anh ấy sẽ dịu giọng ngay.
Không kể với người khác về mâu thuẫn gia đình
Trên đời này không bao giờ có bí mật, những câu dặn dò “tôi kể với bạn, bạn đừng kể với ai nhé” chỉ khiến người được đưa chuyện thèm khát được kể cho người thứ ba nghe. Cứ thế, câu chuyện về mâu thuẫn gia đình bạn sẽ được truyền miệng từ người này sang người khác, tam sao thất bản.
Nếu chẳng may chồng bạn biết được điều ấy, biết vợ đã thì thầm những chuyện riêng tư ấy sau lưng anh ấy thì chàng sẽ tổn thương thế nào. Hãy bảo vệ chồng mình trước miệng lưỡi thế gian, đừng cho phép ai chê bai hay chỉ trích chồng mình vì “xấu chàng hổ thiếp”.
Không nhắc lại chuyện cũ
Kể tội nhau không hề khiến cuộc tranh cãi mau chóng kết thúc mà còn khiến mọi thứ càng tồi tệ hơn. Thử hỏi, nếu bạn cứ lôi chuyện cũ ra để đay nghiến, trách móc hay chỉ trích đối phương cho những sai lầm hiện tại thì có ích gì.
Ngược lại, nó sẽ khiến chàng tự ái, cảm thấy bị xem thường và chán ghét vì vợ quá lắm lời. Thế nên, phụ nữ chớ dại đào xới chuyện cũ, hãy để chúng được ngủ yên trong quá khứ.